Yêu cầu đưa giá vàng trong nước sát giá thế giới mà Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Ảnh: Bloombeg

Mức chênh lệch 400 nghìn đồng trở thành dự tính... "đãi bôi"

Tuần trước, lần đầu tiên trong khoảng hai năm qua chênh lệch giá vàng trong nước so với giá thế giới co hẹp chỉ còn trên dưới 2 triệu đồng/lượng. Diễn biến này có thể xem là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước nhấn thêm lực, thu hẹp hẳn chênh lệch để đảm bảo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đã giao từ năm ngoái.

Tuy nhiên, có vẻ như cơ hội đó đã trôi qua, chênh lệch lại doãng ra, lên khoảng 2,7 – 2,8 triệu đồng/lượng. Nhưng, câu chuyện chênh lệch giá vàng và việc thu hẹp nó lại không đơn giản như vậy.

Cuối năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dự tính thu hẹp chênh lệch giá vàng về khoảng 400 nghìn đồng/lượng là hợp lý. Đến nay, đó vẫn là một mức lý tưởng và chưa thể đạt được.

Từ đó đến nay, có thể khẳng định thu hẹp về 400 nghìn đồng/lượng không phải là mục tiêu mà nhà quản lý thị trường vàng hướng tới. Bởi từ năm 2011 đến nay tuyệt nhiên Ngân hàng Nhà nước không đưa ra bất cứ một mục tiêu thu hẹp, hay mức độ chênh lệch cụ thể nào là hợp lý.

Vậy mục tiêu của họ là gì? Với những thông tin đưa ra qua diễn đàn Quốc hội, qua các báo cáo về chính sách quản lý thị trường vàng đã đưa ra, Ngân hàng Nhà nước dường như cho biết, mục tiêu của mình chính là bình ổn thị trường, trong khi yêu cầu thu hẹp chênh lệch giá trở nên mờ nhạt.

Ở mục tiêu bình ổn, hai năm qua có thể thấy họ đã thành công khi hạn chế được những cơn sóng vàng từng gây chao đảo lãi suất, tỷ giá, thậm chí là ảnh hưởng đến cả ổn định vĩ mô như những năm 2008 - 2010.

Cuối năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dự tính thu hẹp chênh lệch giá vàng về khoảng 400 nghìn đồng/lượng là hợp lý. Đến nay, đó vẫn là một mức lý tưởng và chưa thể đạt được.

Suy đoán những nguyên nhân neo cao chênh lệch

Còn với yêu cầu thu hẹp chênh lệch, câu hỏi đặt ra suốt thời gian qua là vì sao khi đã có đầy đủ công cụ, nguồn lực trong tay mà vẫn chưa thực sự thu hẹp? Hay Ngân hàng Nhà nước không muốn thu hẹp?

Thứ nhất, có thể Ngân hàng Nhà nước đã và đang rất thận trọng khi tham gia thị trường vàng. Yêu cầu thu hẹp chênh lệch là áp lực, nhưng bảo đảm giá trị tài sản nhà nước còn áp lực hơn bởi nguồn vàng đưa ra bình ổn là từ dự trữ ngoại hối.

Kể từ phiên đấu thầu đầu tiên cho đến nay, cơ quan này không hề "nhượng bộ" giá đấu, áp thấp hẳn để thu hẹp chênh lệch ngay so với giá thế giới.

Tình huống suy xét ở đây là, nếu để thu hẹp ngay chênh lệch, Ngân hàng Nhà nước bán ra giá thấp hơn hẳn giá thị trường trong nước đang giao dịch, mức thấp đi đó được xem là tài sản nhà nước bị “thất thoát”. Trước 30/6, tình huống này còn gắn với cả e ngại giá thấp sẽ bù lỗ hay hỗ trợ cho các ngân hàng tất toán trạng thái.

Thứ hai, có lẽ Ngân hàng Nhà nước quan ngại nếu thu hẹp hẳn chênh lệch sẽ kích thích lực cầu, vốn lại đổ thêm vào vàng và liên quan là thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại.

Giả sử thời gian qua, có nhiều thời điểm nếu nhất quyết thu hẹp, giá vàng trong nước sẽ rơi về khoảng 31 - 33 triệu đồng/lượng. Đây được xem là vùng giá nhạy cảm, sẽ kích hoạt dòng người xếp hàng mua vào, thực tế đã được chứng minh ở những cú rơi như hồi tháng 4 và tháng 6 vừa qua. Nếu vậy, sóng vàng lại nổi, một bộ phận vốn dân cư sẽ chia tay ngân hàng để nhồi vào vàng, vừa nặng thêm áp lực tăng cung vàng cho thị trường, vừa gây khó khăn thanh khoản VND mà có thể làm gia tăng lãi suất…

Thứ ba, tương đồng với lý do trên, một mức chênh lệch giá đáng kể sẽ góp phần nhất định hạn chế nhu cầu mua vào của người dân; ngược lại là kích thích người nắm giữ xem xét bán ra.

Nhưng liệu điều này có nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước hay không, thì chỉ có... Ngân hàng Nhà nước mới biết mà thôi!

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước không thể can thiệp giá thế giới, trong khi đây là một yếu tố quan trọng tới quyết định chênh lệch giá.

Yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ về thu hẹp chênh lệch bị... lãng quên!

Vừa qua, cơ hội chênh lệch đã co về trên dưới 2 triệu đồng/lượng, nhưng chỉ qua vài phiên giá thế giới giảm trở lại trong khi giá trong nước có “độ ì không liên thông”, chênh lệch lại doãng ra 2,7 - 2,8 triệu đồng/lượng.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Ngân hàng Nhà nước nhân cơ hội này không hạ giá đấu thầu vàng để định hướng thị trường, thực hiện thu hẹp chênh lệch giá?

Có thể trả lời câu hỏi này cũng bằng cách tự suy đoán rằng: Nếu cung đấu thầu dồn dập để đè giá trong nước giảm theo, có thể Ngân hàng Nhà nước sợ lại bị cuốn vào biến động của thị trường thế giới.

Nếu ứng xử như vậy, Ngân hàng Nhà nước một mặt sẽ không đủ điều kiện để luôn chạy theo biến động thất thường cùng mức độ lớn của giá thế giới, mặt khác họ vô tình “bê” hẳn những cơn sóng bên ngoài vào mà gây xáo trộn thị trường trong nước.

Cho nên, chênh lệch giá có thể co hẹp lúc này và lại doãng ra lúc khác, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tham chiếu là giá thế giới. Nó trở thành một câu chuyện dài và chưa rõ hồi kết. Còn Ngân hàng Nhà nước có lẽ sẽ vẫn theo đuổi mục tiêu: giữ thị trường vàng trong nước ổn định, ít có biến động và xáo trộn lớn.

Từ những suy đoán nguyên nhân như trên, việc cố neo khoảng cách chênh lệch giá ở mức cao như hiện nay có vẻ khá dễ nghe.

Nhưng một vấn đề quan trọng là, yêu cầu đưa giá vàng trong nước sát giá thế giới mà Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo tại sao vẫn chưa được đáp ứng?

Mong muốn của người dân đang muốn được lắng nghe ý kiến lý giải một cách thỏa đáng việc này... có lẽ lại phải chờ thêm!

Nguyễn An