Tận dụng cơ hội, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả
Tận dụng cơ hội, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả.

Xuất khẩu rau quả sang Thái Lan tăng trưởng đột biến

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024 xuất khẩu rau quả đạt 433 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá về con số trên, Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, đó là kết quả đáng mừng nhưng không quá gây bất ngờ bởi ngay từ 2 tháng đầu năm 2024 ngành rau quả đã mang về gần 1 tỷ USD, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đến gần 73%.

Các thị trường tiêu thụ quan trọng của ngành rau quả là Trung Quốc, Hàn Quốc,Thái Lan, Nhật Bản… đều tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, trong Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam (tính đến hết tháng 2/2024) có thị trường Thái Lan tăng trưởng rất cao, ở mức 125,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 28,6 triệu USD đã đưa thị phần của Thái Lan tăng từ 2% lên gần 4%. Điều này đã đưa Thái Lan lên vị trí thứ 4 trong số các thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sự tăng trưởng đột biến của thị trường Thái Lan là từ mặt hàng sầu riêng nghịch vụ. "Thái Lan mạnh về du lịch, khách Trung Quốc đến nhiều và rất thích ăn sầu riêng. Tuy cũng là quốc gia có thế mạnh về trồng sầu riêng, nhưng mùa sầu riêng tại Thái Lan chỉ kéo dài khoảng 4 tháng, nên nước này phải tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam để phục vụ du khách" - ông Nguyên nhận xét.

Cùng với sầu riêng, các mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam vẫn là thanh long, chuối và xoài.

Tận dụng cơ hội, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả
Xuất khẩu rau quả năm 2024 có thể tiếp tục tăng trưởng 15-20%.

Tận dụng lợi thế các thị trường gần

Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, với kết quả trên, xuất khẩu rau quả năm 2024 có thể tiếp tục tăng trưởng 15-20%. Thậm chí, nếu tận dụng tốt cơ hội từ các nghị định thư mang lại, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt 6,5-7 tỷ USD.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế thúc đẩy xuất khẩu rau, hoa, quả. Ngoài năng lực sản xuất, Việt Nam còn có hàng chục hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện để đàm phán mở cửa cho các sản phẩm rau, quả vào nhiều thị trường khác nhau.

"Để khai thác hiệu quả dư địa thị trường, các ngành hàng cần có phương án tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành tốt với từng loại rau quả phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Song song với đó, phải xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất gắn thương mại và chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm rau quả" - ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhu cầu tiêu thụ cũng như dư địa của thị trường rau quả toàn cầu lớn và liên tục tăng trưởng. Vì vậy, ngành rau quả Việt Nam cần tận dụng lợi thế, nắm bắt cơ hội, tiếp cận được công nghệ trong trồng trọt, bảo quản, chế biến cũng như tiếp cận được nhiều thị trường, từ đó góp phần phát triển bền vững và thay đổi hình ảnh, giá trị ngành rau quả Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Các chuyên gia cũng dự báo, mặc dù sự kiện Biển Đỏ gây nhiều khó khăn cho mặt hàng rau quả Việt Nam khi xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc và các khu vực lân cận tăng mạnh, nhất là đối với mặt hàng quả sầu riêng, dừa, thanh long, mít, chuối, xoài…

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh nông sản sơ chế, chế biến, theo Công ty TNHH Vinaxo, hiện nay doanh nghiệp đang đẩy mạnh chào hàng sang thị trường Đông Nam Á (ASEAN) như Indonesia, Malaysia, Thái Lan... và sắp ký được đơn hàng đầu tiên.

Thời gian vận chuyển sang các nước khu vực ASEAN chỉ 7-15 ngày, văn hóa tương đồng, người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe như sản phẩm trái cây sấy của công ty, do đó nếu thị trường truyền thống không gặp vấn đề về vận chuyển thì doanh nghiệp vẫn mở rộng sang thị trường ASEAN bởi nhận thấy nhiều tiềm năng.

Bà Lê Thị Mai Anh - Trưởng Phòng ASEAN và hợp tác khu vực, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) nhận định, khối ASEAN là thị trường rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 297,7 triệu USD rau quả sang thị trường này, tập trung vào 4 nước chính là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào. Lợi thế của thị trường ASEAN là chi phí logistics thấp nhờ vị trí địa lý gần, thuế suất thuế nhập khẩu chỉ 0%-5% trong khi một số thị trường khác vẫn áp dụng mức thuế 30%-40%.

Không những vậy, thị trường ASEAN không đòi hỏi cao về điều kiện kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, phù hợp để các doanh nghiệp thử nghiệm xuất khẩu trước khi mở rộng ra các thị trường xa hơn. Mặc dù vậy, thị trường này có sự cạnh tranh gay gắt bởi cơ cấu sản phẩm tương đồng nên doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu sản phẩm tươi ở thời điểm nghịch vụ và hàng chế biến.

Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu rau quả trong năm 2024 mặc dù có một số khó khăn, nhưng vẫn rất nhiều thuận lợi. Cụ thể, tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… trái cây của Việt Nam có chất lượng tốt, mang hương vị riêng, là đặc sản mà nhiều quốc gia xuất khẩu khó cạnh tranh.