sách giáo khoa

Giá sách giáo khoa dự kiến tăng khoảng từ 1.000 - 1.800 đồng/cuốn. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện quy định của pháp luật về giá tại Luật Giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, Thông tư số 56/2014/TT-BTC, Thông tư số 233/2016/TT-BTC thì sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng kê khai giá.

Theo đó, trước khi xem xét điều chỉnh các mức giá phù hợp với những yếu tố biến động của thị trường, đặc biệt là yếu tố đầu vào sản xuất để tác động đến giá thành sản phẩm, đơn vị sản xuất lập phương án kê khai giá cho cơ quan quản lý nhà nước (bao gồm cả trường hợp điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm). Đối với mặt hàng sách giáo khoa, chủ thể tiếp nhận là Bộ Tài chính. Như vậy, việc Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam thực hiện kê khai giá sách giáo khoa với Bộ Tài chính là phù hợp với quy định của pháp luật về giá.

Theo phương án giá của NXB Giáo dục Việt Nam kê khai với Bộ Tài chính cho thấy, qua 8 năm liên tục chưa thực hiện điều chỉnh giá sách giáo khoa. Với các biến động gia tăng của thị trường đã tạo ra khoản lỗ nhất định cho việc xuất bản sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam qua các năm.

Theo hồ sơ kê khai của NXB Giáo dục thì trên cơ sở phương án giá của năm 2016 để điều chỉnh cho năm 2019, muốn tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật Giá và các phương pháp tính giá, NXB Giáo dục Việt Nam đề xuất phải điều chỉnh giá sách giáo khoa khoảng 20,2%.

“Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và chia sẻ với người tiêu dùng, NXB Giáo dục đã rà soát và tiết giảm các khoản chi phí để điều chỉnh ở mức thấp nhất như phương án đã kê khai với Bộ Tài chính, trong đó, các yếu tố chính để tác động đến phương án tăng giá sách giáo khoa gồm tiền giấy, một số chi phí liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật; không có kết cấu lợi nhuận trong đó”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc điều chỉnh giá sách giáo khoa năm 2019, được kê khai từ tháng 2/2019 và sẽ có tác động chủ yếu vào tháng 7-8-9/2019 (thời điểm bắt đầu năm học mới). Theo tính toán, việc thực hiện tăng giá sách giáo khoa sẽ tác động làm tăng CPI chung của cả năm khoảng 0,07%. Vấn đề này, theo lãnh đạo cơ quan quản lý giá, đã được tính toán trong báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ tại phiên họp đầu năm để có cái nhìn tổng quan về điều hành giá cả thị trường năm 2019.

“Như vậy, điều chỉnh giá sách giáo khoa nằm trong kiểm soát lạm phát của cả năm và tác động không nhiều đến mặt bằng giá cả nói chung” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Do sách giáo khoa là mặt hàng nhạy cảm, có tác động tới toàn xã hội nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp nhiều lần bàn về đề nghị điều chỉnh giá bán mặt hàng này của NXB Giáo dục Việt Nam. Bộ cũng đã yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam khẩn trương rà soát cơ cấu và chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và báo cáo bộ để xem xét có ý kiến chính thức. NXB Giáo dục Việt Nam đã thực hiện rà soát, mời các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm tra, thẩm định và đã có văn bản báo cáo.

Được biết, sách giáo khoa phục vụ năm học 2019 - 2020 sẽ bắt đầu được phát hành từ tháng 4/2019./.

Minh Anh