Tăng tốc phủ sóng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đến hộ kinh doanh
Phủ sóng đăng ký hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền góp phần chống thất thu thuế. Ảnh minh họa

Nghiên cứu giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh

Theo Bộ Tài chính số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh năm 2024 đạt 25.953 tỷ đồng, bằng 120% số thu năm 2023. Kết quả đạt được góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh chưa đảm bảo gia tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện từ khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2025 và các năm tiếp theo, ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 3987/BTC-CT đề nghị bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan như: Tài chính, ngân hàng, công thương, công an, xây dựng, quản lý và phát triển thị trường, y tế, thống kê…, trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế.

Đồng thời, nghiên cứu phương án hỗ trợ tài chính cho các hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn trong việc áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Việc này đặc biệt quan trọng đối với các hộ kinh doanh chưa đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và các giải pháp xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Ngoài ra, rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai giải pháp hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, bao gồm: Ăn uống, nhà hàng, khách sạn; bán lẻ hàng hóa (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng); bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí, bán vé tham quan du lịch, vận tải hành khách đường bộ, dịch vụ thẩm mỹ; kinh doanh vàng; dịch vụ sân golf, dịch vụ cáp treo, xăng dầu, phí đường bộ.

Doanh nghiệp công nghệ sẵn sàng phục vụ hộ kinh doanh

Thực hiện công văn của Bộ Tài chính, UBND các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh, Lâm Đồng…, đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành triển khai công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế. Tuyên truyền, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện theo quy định pháp luật.

Cùng đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực XIII chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật thuế. Tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, trách nhiệm và hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử; rà soát, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng…,

Để giúp các hộ kinh doanh nộp thuế khoán tuân thủ quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP của Chính phủ, Công ty CP Misa (Misa) đã phát triển bộ giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhằm giúp hộ kinh doanh dễ dàng sử dụng, với đầy đủ chức năng nghiệp vụ và tối ưu hóa chi phí trong quá trình kinh doanh trở nên nhanh chóng và hiệu quả.

Đại diện Misa cho biết, bộ giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của Misa hỗ trợ quản lý toàn diện nghiệp vụ bán hàng - hóa đơn - kế toán. Đối với các hộ kinh doanh quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhu cầu quản lý đơn giản có thể sử dụng giải pháp Misa AMIS kế toán hộ kinh doanh.

Phần mềm này cung cấp đầy đủ các mẫu chứng từ, sổ sách, báo cáo theo quy định về chế độ kế toán của Thông tư 88/2021/TT-BTC, cung cấp mẫu tờ khai thuế theo Thông tư 40/2021/TT-BTC và các nghiệp vụ liên quan tới hóa đơn theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC. Toàn bộ dữ liệu được tổng hợp hoàn toàn tự động, giúp các hộ kinh doanh hoàn thành nghĩa vụ với các cơ quan nhà nước một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Misa cũng đã tích hợp trí tuệ nhân tạo AI dưới dạng Trợ lý số Misa AVA trên Misa AMIS kế toán hộ kinh doanh, giúp tự động xử lý và nhập liệu hóa đơn thay cho người dùng. Nhờ đó, việc ghi chép, hạch toán kế toán cũng trở nên dễ dàng, chính xác kể cả với những người không có chuyên môn về kế toán.

Còn ông Hoàng Văn Thuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP công nghệ tin học EFY Việt Nam cho biết, dịch vụ hóa đơn điện tử EFY-iHOADON do EFY Việt Nam phát triển đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế, các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính.

EFY Việt Nam sẵn sàng cung cấp EFY-iHOADON cho tất cả các đối tượng là doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, hộ cá nhân kinh doanh…, có nhu cầu và đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử. EFY-iHOADON đáp ứng đầy đủ các loại hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý, các loại hóa đơn khác theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, EFY Việt Nam luôn tổ chức đội ngũ hỗ trợ hoạt động 24/7, luôn sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Đôn đốc hộ, cá nhân doanh thu từ 1 tỷ đồng áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tăng cường đôn đốc các cơ sở kinh doanh, trong đó có hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ.