Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen”, do Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, ngày 31/10/2023, tại Hà Nội.

Tín dụng tiêu dùng gặp khó

Thông tin tại hội thảo cho biết, trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh tới việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.

Tài chính tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen. Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35 - 50 triệu đồng/người.

Tăng trưởng cho vay tiêu dùng quá khiêm tốn trong 7 tháng đầu năm
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Duy Dũng.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn.

Số liệu trên cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân là rất lớn. Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng, khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng. Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp… ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng.

Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống và có thể sẽ bị buộc phải tìm đến "tín dụng đen" để giải quyết các nhu cầu vốn sinh hoạt cấp thiết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8 - 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Cần phân biệt đâu là tín dụng tiêu dùng, đâu là "tín dụng đen"

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, tình trạng "tín dụng đen" núp bóng cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, fintech được cấp phép chính thống, đâu là "tín dụng đen".

Điều đó kéo theo hiện tượng một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng “bùng nợ” trên mạng xã hội càng khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó.

Tăng trưởng cho vay tiêu dùng quá khiêm tốn trong 7 tháng đầu năm
Các diễn giả chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, fintech được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen.

Trao đổi tại hội thảo, các diễn giả cũng đã chia sẻ về một số giải pháp để tăng cường tiếp cận vốn tiêu dùng chính thống cho người dân, tránh rơi vào “bẫy tín dụng đen".

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm "tín dụng đen" và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook... nhưng không bị xử lý.

“Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022. Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… Hệ quả là "tín dụng đen" bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi, nhất là trên môi trường mạng” – ông Hùng nói.

Do vậy, để các công ty tài chính tiêu dùng vững tâm hoạt động, tiếp tục cho vay, mở rộng mạng lưới và quy mô hoạt động đến khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa, nhằm góp phần hạn chế “tín dụng đen” và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, theo ông Hùng, việc nghiên cứu để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công ty tài chính là hết sức cần thiết.

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng đã chia sẻ nhiều giải pháp để tăng chất lượng hoạt động tín dụng tiêu dùng từ các công ty tài chính, như: Các công ty tài chính cần thiết lập lại hoạt động để người dân thấy mình chính thống hơn các đơn vị trá hình khác; nâng cao mức độ hiểu biết tài chính của khách hàng, người dân; tăng tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật của người dân; tăng tính liên tục, thường xuyên sự hoạt động của các cơ quan hành pháp, các cơ quan chức năng; phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng; và khẩn trương hoàn thiện thể chế liên quan tới tín dụng tiêu dùng…/.