Thận trọng điều hành giá hàng hóa thiết yếu, tránh tác động đến lạm phát
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Không thể trì hoãn quá lâu lộ trình đã đặt ra

Dù Việt Nam không nằm trong nhóm nước có chỉ số CPI cao, nhưng tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên vật liệu và đầu ra của hàng hóa. Do đó, trong điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá luôn nhất quán mục tiêu thận trọng, không chủ quan trong kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024.

Một trong những áp lực tác động lên lạm phát năm nay được nhận định đó là việc điều hành giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo lộ trình đã đề ra. Đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như: dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt, theo tính toán thường chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư. Giá các mặt hàng này luôn được Chính phủ điều hành thận trọng trong suốt những năm qua.

Thận trọng điều hành giá hàng hóa thiết yếu, tránh tác động đến lạm phát
Chủ động, linh hoạt trong điều hành, tránh làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Ảnh tư liệu

Tuyên truyền, công khai, minh bạch về giá

Theo chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long, trong điều hành giá, nhất là giá hàng hóa thiết yếu ảnh hưởng nhiều tới đời sống người dân thì vai trò của truyền thông là đặc biệt quan trọng. Do đó, cơ quan quản lý phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Trong đó, mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tăng học phí năm học 2022 - 2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí. Tuy nhiên, ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023; yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Theo đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí vào 6 tháng đầu năm 2023.

Cùng với đó, giá dịch vụ y tế vẫn được giữ ổn định. Trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh hai đợt: tăng 3% từ ngày 4/5/2023 và tăng 4,5% từ ngày 9/11/2023.

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét trong năm 2024. Theo đó, giá dịch vụ giáo dục, căn cứ theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP, đối với khối giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, mức trần học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình từ năm học 2023 - 2024 đến năm học 2026 - 2027. Mức tác động đến CPI thực tế phụ thuộc vào mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định.

Về giá điện, Bộ Công thương kiến nghị trong năm 2024 xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường. Năm 2023 Bộ Y tế đã ban hành các thông tư kết cấu thêm chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Trong năm 2024, Bộ Y tế đề xuất tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá.

Linh hoạt, kịp thời để kiểm soát lạm phát

Tại nhiều diễn đàn, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, 3 năm qua, dịch vụ giáo dục không tăng, đặc biệt giáo dục đại học không tăng giá đã gây hệ lụy lớn, trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá. Việc kéo dài không tăng giá dịch vụ giáo dục nếu tiếp tục sẽ gây khó cho các trường cũng như ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục Thống kê cho rằng, năm 2024 các bộ, ngành cần chủ động xây dựng kịch bản, phương án chi tiết, theo từng mặt hàng, tại thời điểm và mức tăng. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét kịp thời, chủ động, linh hoạt, tránh trùng vào cùng một thời điểm. Tổng cục Thống kê trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng từng tháng, sẽ đề xuất, không để quá an toàn, cũng không được quá cao để ảnh hưởng tới người dân.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ để có phương án cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng, xin ý kiến các cấp, các ngành, đặc biệt trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phải linh hoạt, kịp thời, nhưng phải tạo dư địa cho kiểm soát lạm phát, không gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân, nhất là nhóm yếu thế.

Đối với năm 2024, với mục tiêu đề ra tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức 4 - 4,5%. Bộ Tài chính đã có đánh giá cụ thể từng mặt hàng và có dự báo kịch bản cho các tình huống từ cao đến thấp.

Điều chỉnh với mức độ và liều lượng phù hợp

Chỉ đạo tại cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Ngoài ra tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp.

Đáng lưu ý, cần chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách.

Phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI để từ đó thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Nhiều mặt hàng đã không được điều chỉnh giá trong mấy năm qua, phải tiếp tục điều chỉnh là điều “bất khả kháng” và “không thể trì hoãn thêm nữa”. Do đó, việc dự báo, tính toán thời điểm nào và tăng ra sao là vô cùng quan trọng.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, cơ quan quản lý cần chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.

Theo Bộ Tài chính, đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu.