Cán bộ Kho bạc Nhà nước rà soát các báo cáo tài chính nhà nước của các đơn vị

Cán bộ Kho bạc Nhà nước rà soát các báo cáo tài chính nhà nước của các đơn vị dự toán cấp I gửi đến. Ảnh: Hạnh Thảo

Báo cáo này sẽ được trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, vào kỳ họp tháng 5/2021 theo đúng quy định hiện hành.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo

Bà Nguyễn Thị Hoài - Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước - Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, mặc dù KBNN đã hoàn thành Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) năm 2018, nhưng là do năm đầu thực hiện nên báo cáo này vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.

Đơn cử như BCTCNN năm 2018 chưa bao gồm giá trị tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, thủy lợi, đê điều… do trung ương và địa phương quản lý; giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ do địa phương quản lý và chi phí hao mòn của các tài sản kết cấu hạ tầng này.

BCTCNN năm 2018 chỉ bao gồm một số thông tin tài chính tổng hợp (tài sản thuần, thặng dư/thâm hụt trong năm) của cơ quan, đơn vị đang áp dụng chế độ kế toán đặc thù hoặc chưa kịp chuyển sang chế độ kế toán dồn tích.

Nguyên nhân được chỉ ra là do Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài sản công (nguồn thông tin đầu vào của BCTCNN) còn chưa đầy đủ hoặc các địa phương nhập dữ liệu chưa chính xác. Chế độ kế toán áp dụng cho năm tài chính 2018 của một số đơn vị dự toán cấp I chưa được sửa đổi đồng bộ với hướng dẫn của Bộ Tài chính nên để tổng hợp các chỉ tiêu tài chính của các đơn vị này vào các chỉ tiêu tương ứng trên BCTCNN là tương đối phức tạp và cần nhiều thời gian…

Hơn nữa, do là năm đầu thực hiện lập BCTCNN nên nhiều đơn vị dự toán cấp I chưa kịp nắm bắt, chưa hiểu đúng bản chất chỉ tiêu; phần mềm kế toán chưa hoàn thiện… dẫn đến số liệu của báo cáo còn chưa chính xác.

Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc năm 2018 “về đích” đúng hạn

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự hỗ trợ của UBND các tỉnh, thành phố, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan và sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống kho bạc nhà nước, đến hết tháng 12/2019, 63 bộ Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh năm 2018 đã được hoàn thành, trình UBND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Cuối tháng 3/2020, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành việc tổng hợp, lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc năm 2018, trình Bộ Tài chính, Chính phủ, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cùng với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước vào tháng 5/2020 theo đúng quy định.

Từ những tồn tại này, bà Hoài cho biết, KBNN đã đề xuất giải pháp để hoàn thiện cho BCTCNN năm 2019. Theo đó, để cải thiện thông tin tài sản kết cấu hạ tầng, Bộ Tài chính (cụ thể là Cục Quản lý công sản) đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, cập nhật số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, nước sạch vào CSDL để tổng hợp vào BCTCNN năm 2019. Để cải thiện chất lượng thông tin tài chính của các đơn vị dự toán cấp I, KBNN sẽ thực hiện rà soát, kiểm tra, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện báo cáo để đảm bảo tính cân đối, hợp lý, hợp lệ.

Đối với BCTCNN các năm sau, KBNN sẽ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Cục QLKTKT) nghiên cứu, trình Bộ Tài chính phương án tổng hợp thông tin tài chính của các đơn vị áp dụng chế độ kế toán đặc thù vào các chỉ tiêu tương ứng trên BCTCNN.

Bên cạnh đó, Cục QLKTKT chủ trì nghiên cứu, trình Bộ Tài chính ban hành hệ thống Chuẩn mực kế toán công Việt Nam để đảm bảo thống nhất các quy định chung, nguyên tắc kế toán trong khu vực nhà nước. Đồng thời, cục nghiên cứu trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành và tiếp tục hoàn thiện các thông tư hướng dẫn chế độ kế toán nhà nước khác để đảm bảo hướng dẫn đầy đủ cho đơn vị thực hiện và cung cấp đầy đủ các thông tin tài chính cần thiết phục vụ tổng hợp BCTCNN đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp lãnh đạo.

Là cơ quan thực hiện tổng hợp BCTCNN, bà Hoài cho biết, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với Cục QLKTKT thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ lập BCTCNN trong toàn hệ thống và cán bộ kế toán của các đơn vị kế toán nhà nước. Đồng thời, KBNN phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, phân tích chuyên sâu BCTCNN.

Đặc biệt, theo bà Hoài, việc lập BCTCNN cần phải được tăng cường truyền thông về mục đích, ý nghĩa, từ đó tranh thủ sự ủng hộ cũng như sự chia sẻ về các khó khăn, thách thức trong quá trình lập BCTCNN của các cấp lãnh đạo, các ban ngành địa phương.

Cơ bản hoàn thành việc kiểm tra, tiếp nhận bCTCNN năm 2019

Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước - KBNN cũng cho biết thêm, trên cơ sở kết quả và bài học kinh nghiệm trong công tác lập BCTCNN năm 2018, để lập BCTCNN năm 2019 không còn gặp phải những tồn tại, vướng mắc, ngay từ đầu năm 2020, KBNN đã triển khai nhiều hoạt động. Trong đó, KBNN đặc biệt lưu ý việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn công tác lập BCTCNN năm 2019; hoàn thiện hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước (cập nhật công thức, khắc phục các lỗi của hệ thống…) để sẵn sàng tiếp nhận báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các cơ quan, đơn vị và hỗ trợ công tác tổng hợp lập BCTCNN năm 2019.

Ngoài ra, KBNN đã yêu cầu KBNN các cấp phối hợp với sở tài chính các địa phương đôn đốc các đơn vị dự toán cấp I trên địa bàn gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính; thực hiện kiểm tra, rà soát, tiếp nhận báo cáo của các đơn vị này. Đồng thời, KBNN các cấp tổ chức các nhóm hỗ trợ nghiệp vụ và kỹ thuật để kịp thời hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình cung cấp thông tin, tổng hợp, lập BCTCNN. Bên cạnh đó, KBNN còn tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ liên quan trong hệ thống KBNN…

Đến nay, KBNN đã cơ bản hoàn thành việc kiểm tra, tiếp nhận báo cáo cung cấp thông tin tài chính nhà nước năm 2019 và đang khẩn trương tổng hợp, phân tích 63 bộ BCTCNN của 63 tỉnh, thành trong cả nước để đảm bảo đến tháng 12/2020 hoàn thành việc trình UBND tỉnh, báo cáo HĐND tỉnh. BCTCNN năm 2019 toàn quốc sẽ được hoàn thành trong tháng 3/2021 để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội cùng Báo cáo quyết toán NSNN trong kỳ họp tháng 5/2021, theo đúng quy định hiện hành.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài, để lập thành công BCTCNN, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với phương pháp và bước đi chắc chắn, phù hợp, toàn hệ thống KBNN cần tiếp tục đồng lòng, quyết tâm khẩn trương triển khai, lập BCTCNN.

Để làm được việc này, KBNN sẽ đặc biệt tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như các thách thức đang đặt ra. “Việc lập thành công BCTCNN sẽ góp phần đặt nền móng vững chắc, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam để tiến đến một nền tài chính ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế” - Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước - Nguyễn Thị Hoài nhấn mạnh.

Một số tồn tại cần khắc phục

Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 chưa bao gồm giá trị tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, thủy lợi, đê điều… do trung ương và địa phương quản lý; giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ do địa phương quản lý và chi phí hao mòn của các tài sản kết cấu hạ tầng này.

Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 chỉ bao gồm một số thông tin tài chính tổng hợp (tài sản thuần, thặng dư/thâm hụt trong năm) của cơ quan, đơn vị đang áp dụng chế độ kế toán đặc thù hoặc chưa kịp chuyển sang chế độ kế toán dồn tích.

Vân Hà