Thành lập quận Gia Lâm để phát huy mọi lợi thế
Lãnh đạo Huyện ủy Gia Lâm kiểm tra công tác lấy ý kiến cử tri.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà đã cho biết như vậy, khi trả lời phóng viên TBTCO về Đề án thành lập quận Gia Lâm, Hà Nội.

PV: Thưa ông, được biết, ngày 22/9, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Để thành lập quận phải đạt nhiều tiêu chí quan trọng, đến nay Gia Lâm đã đảm bảo các tiêu chí cơ bản gì?

Ông Nguyễn Việt Hà: Được sự đồng ý của các cấp ủy, chính quyền và các cấp có thẩm quyền, UBND huyện Gia Lâm chủ động tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc và cuối tháng 8/2023 UBND huyện Gia Lâm đã có tờ trình gửi UBND TP. Hà Nội về Đề án thành lập quận và 16 phường thuộc quận, trên cơ sở sáp nhập 22 đơn vị hành chính cấp xã.

Đến nay, huyện Gia Lâm đã đạt 5/5 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn thành lập quận; 31/31 nhóm tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính được sửa đổi theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15; các khu vực dự kiến thành lập phường đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn.

PV: Người dân đã có ý kiến như thế nào về đề án thành lập quận Gia Lâm và 16 phường mới , thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hà: Thực hiện Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018, Nghị định 66/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 54/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, trong tháng 8/2023, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đã đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận. Hơn 99% trong số 200.000 cử tri được lấy ý kiến đồng thuận thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận.

Thành lập quận Gia Lâm để phát huy mọi lợi thế
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà

Quá trình thực hiện lấy ý kiến cử tri về việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận vừa qua đã minh chứng sự đoàn kết, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Gia Lâm.

Cùng với sự đồng lòng, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Gia Lâm đã hoàn thiện các hồ sơ chứng minh cho việc huyện đã đủ điều kiện thành lập quận, phường; đồng thời tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố trong thực hiện các bước tiếp theo, để Gia Lâm sớm trở thành quận của Thủ đô Hà Nội.

PV: Theo ông, việc thành lập quận Gia Lâm có ý nghĩa như thế nào trong sự phát triển chung của Thủ đô?

Ông Nguyễn Việt Hà: Huyện Gia Lâm có 116,64 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 309.353 người với 22 đơn vị hành chính xã, thị trấn. Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, địa bàn huyện có nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết nối với các tỉnh, thành phố, trung tâm kinh tế lớn, như: Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng...

Năm 2022, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên với sự đồng hành, chỉ đạo quyết liệt của các cấp bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, hoạt động điều hành phát triển kinh tế - xã hội cơ bản được đảm bảo, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư vào địa bàn tăng nhanh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm trở lại đây theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại - dịch vụ và công nghiêp - xây dựng; giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2022 (theo giá hiện hành) huyện Gia Lâm đạt 21.981,6 tỷ đồng, tăng 10,52% so với năm 2021.

Bên cạnh việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế được giao, huyện Gia Lâm còn chú trọng, tập trung xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm đã định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; gắn kết giữa Quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị...

Huyện đã huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng, tập trung chỉnh trang đô thị; công tác xoá đói giảm nghèo được quan tâm chú trọng, giai đoạn 2020 -2022 trên địa bàn huyện đã không còn hộ nghèo. Ngoài ra, Gia Lâm là nơi có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử.

Sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và nhiều cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ nhiều địa phương khác tới làm việc và sinh sống, gia tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tần; tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, quản lý về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, thương mại du lịch, hộ khẩu và các thiết chế xã hội,… hiện nay của huyện.

Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Gia Lâm nói riêng cũng như lợi ích của TP. Hà Nội nói chung, cần có một giải pháp quản lý phù hợp hơn nữa trong công tác chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội. Do đó, việc thành lập quận Gia Lâm sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; khai thác được tối đa lợi thế kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và hưởng thụ của người dân.

Chính vì vậy, việc thành lập quận Gia Lâm là phù hợp với các quy định hiện hành, xứng đáng với vị thế, vai trò chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua. Đặc biệt, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và đảm bảo định hướng theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc gia đoạn 2021-2030....

Ngoài ra, việc thành lập quận Gia Lâm không làm mất đi vị thế chiến lược của huyện mà còn củng cố hơn nữa cho Gia Lâm trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trong tương lai, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của đô thị. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi giúp khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để Gia Lâm góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

TP. Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có 3 - 5 huyện đủ điều kiện để thành quận. Trước mắt trong năm 2023, Hà Nội đầu tư nguồn lực và hoàn thiện các tiêu chí để đưa Đông Anh và Gia Lâm lên quận. Theo kế hoạch, quý IV/2023, Hà Nội sẽ trình trung ương đề án lên quận của cả huyện Đông Anh và Gia Lâm.