Thanh long 'đỏ mắt' chờ kết nối, tiêu thụ
Sản phẩm thanh long Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh

Khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ trong quý I

Tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 6/1/2022, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm nhưng lại không phân bố đều. Cụ thể, quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn và quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ và phát triển mạnh ở các vùng chuyên canh quy mô lớn, tập trung ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Ngoài ra, chưa tính sản lượng thanh long còn ở trên cây, từ khi phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu quả thanh long thì ước tính hiện đang có hơn 100.000 tấn thanh long đã thu hoạch nhưng chưa có đầu ra tiêu thụ.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận chia sẻ, giai đoạn 3 tháng đầu năm luôn là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000 - 4.000 đồng/kg.

Trước tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu, ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho rằng, khi xuất khẩu qua biên giới gặp khó khăn, các cơ quan chức năng đã có những cảnh báo liên tục nhưng các doanh nghiệp không tiếp thu, trong khi đường biển vẫn xuất khẩu bình thường.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và các hiệp hội, để xuất khẩu theo đường biển, các doanh nghiệp phải có container lạnh, vì thế doanh nghiệp phải mua lại container nên giá tăng cao... Điều này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong tiêu thụ thanh long qua đường biển.

Thanh long 'đỏ mắt' chờ kết nối, tiêu thụ
Sản phẩm thanh long gặp khó khăn khi xuất khẩu qua cửa khẩu nên quay đầu về tiêu thụ nội địa. Ảnh: Khánh Linh

Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt

Bàn về giải pháp tiêu thụ thanh long, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thị trường nhập khẩu chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật. Vì vậy, cần quản lý chặt mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói để thúc đẩy xuất khẩu thanh long.

Đối với mã số vùng trồng của sản phẩm thanh long, tổng số MSVT đạt 640, diện tích đạt hơn 40.000 ha (61,9% diện tích trồng cả nước), chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand. Thị trường Trung Quốc có 247 mã số, chiếm 39,2 % tổng mã số được cấp...

Về việc quản lý MSVT và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, các thị trường khó tính có chuyên gia tại Việt Nam, nên mọi vi phạm đều được xử lý triệt để, kịp thời. Tuy nhiên, việc xuất hàng phục vụ thị trường Trung Quốc có nhiều vi phạm, chủ yếu về dịch hại, kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hồ sơ kèm theo lô hàng, nên Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo.

Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan đã tích cực làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý MSVT và nhà đóng gói, xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Trong năm 2021, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt hơn 1,7 triệu tấn, riêng đường biển tại cảng TP.Hồ Chí Minh đạt gần 520.000 tấn, chiếm 30,3%. Ông Lê Văn Thiệt đề nghị các đơn vị kiểm dịch thực vật tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa các thủ tục cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc bằng đường biển.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định khắt khe. Vì vậy, phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số một hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.

Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân bởi sắp tới dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao, cần phải tăng cường kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ.

Ông Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị của Bộ NN&PTNT và các địa phương phía Nam kết nối với đơn vị vận tải logistics tại cảng Cát Lái tháo gỡ vấn đề thiếu container để xuất khẩu nông sản qua đường biển.

"Hiện nay, các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ; đường thủy lại vướng mắc việc thiếu vỏ container. Vì vậy, các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt” - ông Nam nhấn mạnh.