Tăng trưởng bất chấp thách thức toàn cầu
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) mở đầu phát biểu của mình với lời ngợi khen: "Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn".
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) tham gia thảo luận tại hội trường. |
Dẫn chứng cho lời khẳng định này, đại biểu điểm lại một số thành tựu như: Năm 2024, lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các chính sách tài khóa và tiền tệ đồng bộ đã giúp duy trì sự ổn định và phát triển bền vững; an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt, an ninh quốc phòng được đảm bảo.
“Chính những điểm này đã khẳng định khả năng thích ứng của Việt Nam trước những biến động kinh tế toàn cầu, tiếp tục tạo động lực tích cực cho nền kinh tế nước ta trong những tháng cuối năm 2024” - đại biểu Trần Quốc Tuấn nói
Đồng tình với nhận định này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong một thế giới nhiều bất ổn, lạm phát thế giới hiện nay tăng cao trong 3 năm vừa qua, bình quân từ năm 2022, 2023 2024, mỗi năm tăng tới 6%; trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, năm nay ước tăng khoảng 3,2%. Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, đặc biệt chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc và đứng hạng thứ 17/194 quốc gia.
|
“Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và lạm phát được kiểm soát tốt trong 10 năm qua; bình quân từ năm 2015 đến nay lạm phát được kiểm soát ở mức 3%; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay, tích lũy 100 tỷ USD; nợ công/GDP được kéo giảm, tạo dư địa để chúng ta tiếp tục đầu tư các dự án lớn và kinh tế tăng trưởng khá, ước cả năm tăng trưởng khoảng 7% và phấn đấu hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2024” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh và dẫn chứng bằng các con số cụ thể.
Đồ họa: Phương Anh. |
"Tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức trên 7% là rất cao"
Về năm 2025, hầu hết ý kiến các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội là phấn đấu tăng trưởng từ 6,5-7% và cao hơn nữa là 7-7,5% để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các đại biểu cũng đồng tình với 11 giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội do Thủ tướng Chính phủ đã trình bày.
Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ quan ngại khi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng trên 7% là rất cao.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức trên 7% là rất cao, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phục hồi chậm.
Theo đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ; Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều chính sách để miễn, giảm hoặc giãn nợ, gia hạn nợ. Vì vậy, không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế sẽ còn những khó khăn để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng như dự kiến kế hoạch đặt ra. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong vấn đề là giải quyết những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ nguyên nhân những tồn tại. |
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong 9 tháng qua có 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường cao nhất kể từ năm 2019 đến nay.
Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm, trong khi đó giá vàng liên tục tăng. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn hạn chế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, một bộ phận khá lớn người dân có tâm lý bất ổn nên đã lựa chọn việc mua vàng để cất trữ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển./.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Thủ tục rườm rà là sức cản lớn đối với doanh nghiệp Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát). Theo đại biểu, đây là một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua. Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp… |