Tập trung vào các động lực tăng trưởng
Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 3 sôi động với phiên đầu tuần, sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội năm 2024, dự kiến năm 2025. Hầu hết các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến đều đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời nhận định rằng, điều đó đã góp phần giúp kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 thu được những kết quả tích cực. Dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%.
Mục tiêu phấn đấu cả năm 2024 của Chính phủ. Đồ họa: Phương Anh. |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ sự phát triển bền vững và năng lực điều hành linh hoạt của Chính phủ, dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, khẳng định vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.
Thời gian qua, Chính phủ không chỉ ban hành và chỉ đạo khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó có một số luật thông qua theo trình tự rút gọn, tại một kỳ họp, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế - xã hội một cách toàn diện.
Để đảm bảo thực thi hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị sớm ban hành các văn bản còn nợ đọng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để thực hiện đồng bộ khi Luật có hiệu lực; tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Toàn cảnh phiên họp. |
Đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội. |
Cũng đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) kiến nghị, để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.
Đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường.
Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước; thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Tình hình xuất nhập khẩu từ đầu năm đến 15/10/2024. Đồ họa: Văn Chung. |
Gỡ vướng tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, phát triển
Cũng đề cập tới những khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm, kém hiệu quả sang dự án trọng điểm khác để phát huy nguồn lực đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận. |
Ở góc độ hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc xây dựng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công; việc thành lập và hoạt động của các Trung tâm phục vụ hành chính công.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ Trung ương đến địa phương; thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc các quy định, nguyên tắc và thực hiện thủ tục hành chính.
Điều này nhằm thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp” - đại biểu Nguyễn Thành Nam nói. |