Tháo gỡ 'nút thắt' hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu
Sản phẩm thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng bị ùn ứ tại cửa khẩu, quay đầu về tiêu thụ nội địa. Ảnh: Khánh Linh

Sáng 31/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất – chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa”.

Trung Quốc dừng nhập khẩu, xe nông sản quy đầu về tiêu thụ nội địa

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, từ 21/12/2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng. Điều này dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại Cầu Bắc Luân II và Lối mở Km 3+4 phường Hải Yên. Cụ thể, hàng nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp. Số này đang tìm đường tiêu thụ trở lại nội địa...

Tương tự, tại tỉnh Lạng Sơn, bà Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô chứ rất ít hoa quả tươi. "Tổng lượng xe ùn tắc tại Lạng Sơn hiện nay vào khoảng 2.900 xe, đang giảm dần nhưng nguyên nhân chính là do nhiều xe quay đầu về tiêu thụ nội địa, đặc biệt là sau khi Bằng Tường thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 0h 29/12 - 24h 26/1/2022" - bà Đinh Thị Thu nói.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nhiều nông sản vào vụ, có nhu cầu tiêu thụ lớn. Ngoài ra, các chính sách giám sát Covid-19 của Trung Quốc ngày càng tăng cường, duy trì chế độ “Zero Covid”, trong khi Việt Nam lại chủ trương sống chung với dịch. Những vấn đề ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến năng lực thông quan tại cửa khẩu giảm khoảng một nửa thời gian qua.

Cần đẩy mạnh chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã làm việc thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời thống nhất 6 tháng họp một lần; phía bạn rất tạo điều kiện cho việc thông quan nông sản.

Hiện Trung Quốc đồng ý việc kiểm tra, kiểm dịch trực tuyến, và hứa ưu tiên kiểm tra sầu riêng, chanh leo. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép xuất nhập khẩu chính ngạch thạch đen bằng hình thức trực tuyến. Với riêng tỉnh Quảng Tây, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các buổi gặp song phương, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông sản sang Trung Quốc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, từ nay đến quý I/2022 cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long, xoài 250.000 tấn, mít 160.000 tấn, bưởi 140.000 tấn, cam 130.000 tấn… được thu hoạch. Trong khi các cửa khẩu biên giới xuất khẩu sang Trung Quốc gần như không đáp ứng được, nên các doanh nghiệp, địa phương phải chủ động tăng cường kết nối để tiêu thụ các mặt hàng.

Trước đề xuất của một số địa phương về việc xây dựng các điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa trước khi thông quan, theo Trần Thanh Nam, trước mắt Bộ NN&PTNT đang phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản tại Móng Cái. Đây là một cách làm hay, các tỉnh biên giới cần nghiên cứu, đầu tư triển khai trong thời gian tới./.