“Cứu cánh’ của nền kinh tế trong các giai đoạn khó khăn

Trong khuôn khổ Vietnam Summit in Japan 2021 vừa qua, đã diễn ra cuộc tọa đàm “Kinh tế Nông nghiệp: Về phát triển nền kinh tế nông nghiệp cho Đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL) với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan. Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, ngành Nông nghiệp vẫn là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và “cứu cánh” của nền kinh tế trong các giai đoạn khó khăn.

Thay đổi tư duy để xây dựng “cường quốc nông nghiệp sinh thái”
Nông nghiệp Việt Nam đã bảo đảm được an ninh lương thực
và trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo đó, ngành Nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 63% dân số hiện sống ở khu vực nông thôn và 33% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là nhân tố quyết định cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo ra giá trị xuất khẩu ròng cho đất nước.

“Với ĐBSCL, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế chủ đạo của vùng, được định hướng tập trung vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm. Gần 20 năm qua, nông nghiệp khu vực này đóng góp trung bình 34% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP nói chung của vùng. ĐBSCL là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây lớn nhất của Việt Nam” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù nền nông nghiệp đã ghi nhận những chuyển biến tốt khi tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng tư duy sản xuất theo sản lượng vẫn "kìm chân" sự phát triển của ngành dẫn đến hiện tượng giải cứu nông sản, được mùa mất giá...

Bên cạnh đó, nền nông nghiệp nói chung và vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sụt lún, sạt lở, ngập, xâm nhập mặn và biến đổi dòng chảy của sông Mê Kông... khiến khu vực nông nghiệp chưa phát triển hết tiềm năng.

Khát vọng xây dựng cường quốc nông nghiệp sinh thái

Để đối phó với những thách thức này, cũng như để khu vực ĐBSCL chuyển mình, tạo các giá trị mới bằng những cách thức mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy phát triển. Cụ thể, phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ đó giảm chi phí đầu vào, tài nguyên, con người, tăng giá trị thu được; đặc biệt là giá trị đa tích hợp bao gồm cả giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan, môi trường.

“Khát vọng chúng ta cần hướng tới là xây dựng một cường quốc nông nghiệp sinh thái thay vì chỉ là một cường quốc lương thực. Khi đó Việt Nam sẽ là cường quốc về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm của thế giới thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công, giá trị gia tăng thấp. Khi đó Việt Nam sẽ trở thành trung tâm logistics trong nông nghiệp cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, là trung tâm chế biến nông, lâm, thủy sản cho khu vực Đông Nam Á để tránh được những bất ổn của chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản toàn cầu. Đồng thời, làm dịu bớt ảnh hưởng bất lợi của mất cân bằng cung – cầu của thị trường nông, lâm, thủy sản trong ngắn hạn tới người nông dân cũng như người tiêu dùng” - ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Nhằm hiện thực hóa khát vọng này, nhìn từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ đóng vai trò là động lực then chốt với phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, vị tư lệnh ngành nông nghiệp mong mỏi và đề nghị sự đồng hành, ủng hộ của các nhà khoa học, các trí thức trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, tiếp thu các kiến thức từ Nhật Bản và các nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại Nhật Bản hỗ trợ hơn nữa việc kết nối, giao lưu, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt là sự đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, marketing và xuất khẩu nông sản…

Bộ NN&PTNT cùng Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cho các hoạt động hướng về quê hương, đất nước từ nghiên cứu khoa học cho đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao...

Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững giai đoạn tới

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.