![]() |
Từ cuối năm 2024, hàng loạt dự án nhà ở xã hội với giá rẻ liên tiếp được tung ra thị trường. Ảnh minh họa |
Nguồn cung sẽ sớm cải thiện
Giá nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh đã tăng mạnh trong nhiều năm qua. Dữ liệu nghiên cứu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá bán thứ cấp căn hộ chung cư trung bình tại 2 đô thị đặc biệt đã đạt xấp xỉ ở mức 50 triệu đồng/m2. Nhờ động lực dẫn dắt từ thị trường sơ cấp với giá bán sơ cấp trung bình đạt trên 70 triệu đồng/m2, khi các dự án mở bán mới đều có mức giá trên 60 triệu đồng/m2. Và số lượng dự án mở bán mới có giá trên 100 triệu/m2 tăng lên đáng kể trong khi các dự án có giá dưới 50 triệu gần như “biến mất” khỏi thị trường, kể cả ở khu vực nội đô hay ngoại thành.
Báo cáo mới nhất của Savills về hoạt động của thị trường bất động sản cũng cho thấy, phân khúc căn hộ để bán đã ghi nhận được nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian qua. Nguồn cung được cải thiện so với thời điểm 5 năm trước đó nhưng giá vẫn ở mức cao.
Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội: “Giá căn hộ để bán tại thị trường sơ cấp Hà Nội tiếp tục ở ngưỡng cao. Thậm chí, phân khúc căn hộ hạng C, vốn được xem là nhà ở thương mại giá thấp với mức giá trung bình tại thời điểm trước đó chỉ dao động từ 30 - 40 triệu đồng/m2 thì đến nay đã lên tới khoảng 50 triệu đồng/m2. Những căn hộ có giá thấp hơn rất hiếm”.
Mặt bằng giá cao đang ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chi trả của nhóm khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở. Vấn đề của thị trường hiện nay là sự thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ và vừa túi tiền, nhưng không thể phủ nhận nhu cầu lớn dành cho phân khúc căn hộ giá cao hơn. Khi mặt bằng giá ngày càng cao, những người mua có ngân sách hạn chế sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở phù hợp với khả năng tài chính.
Nhằm giải quyết bài toán về nhà ở trong bối cảnh giá nhà “leo thang”, Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nguồn cung nhà ở xã hội. Ngày 27/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Quyết định số 444/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2025 - 2030, cả nước phải hoàn thành 995.445 căn hộ để có thể đạt được mục tiêu xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Trong đó năm 2025 là 100.275 căn hộ, năm 2026 là 116.347 căn hộ, năm 2027 là 148.343 căn hộ, năm 2028 là 172.402 căn hộ; năm 2029 là 186.917 căn hộ và năm 2030 là 271.161 căn hộ.
Theo tìm hiểu của phóng viên từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều dự án nhà ở xã hội mới đã liên tục khởi công tại Hà Nội. Điển hình như nhà ở xã hội tại Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì được xây trên ô đất N01. Dự án do Dự án do liên danh Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Công ty CP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội Haweicco; Công ty CP Kinh doanh và phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư.
Mới đây, Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) và Tổng công ty Viglacera - CTCP đã khởi công xây 1.104 căn nhà CT3 - thuộc dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City tại ô đất CT3, Khu đô thị Kim Chung (Đông Anh - Hà Nội). Sự xuất hiện của nhà ở xã hội có mức giá dưới 20 triệu
đồng/m2 đã khiến nhiều người lao động kỳ vọng về khả năng có thể sở hữu một ngôi nhà trong tương lai không xa.
Mặt bằng giá căn hộ sẽ phù hợp hơn
Cũng theo bà Đỗ Thu Hằng, người mua vẫn có thể có những lựa chọn khác để có thể nắm bắt cơ hội sở hữu nhà ở. Bởi, dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng không thể nói nguồn cung căn hộ dưới 2 tỷ đồng đã hoàn toàn biến mất, mà chủ yếu là số lượng hiện có trên thị trường sơ cấp ngày càng khan hiếm. Trên thị trường thứ cấp, những căn hộ này vẫn còn, dù phần lớn nằm ở các khu vực xa trung tâm và có diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, xét về quy hoạch, vẫn còn nhiều dự án đang trong kế hoạch triển khai. Do đó, phân khúc căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng có thể sẽ tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới. Nếu nguồn cung này không xuất hiện từ thị trường thương mại, thì nhà ở xã hội sẽ là một giải pháp thay thế.
Theo TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trước tình trạng thị trường bất động sản đang thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội... thì việc Chính phủ quyết liệt triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2023, đã tạo ra giá trị lan tỏa lớn, góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển nhà ở cho người dân thu nhập thấp tại đô thị.
Tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để giấc mơ an cư của người thu nhập thấp sớm trở thành hiện thực, thì cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng phải đồng loạt vào cuộc, với một số giải pháp phải bắt tay vào triển khai ngay. Cụ thể, cần nhanh chóng thể chế hóa và bảo đảm hiệu lực thực thi bằng văn bản quy phạm pháp luật những định hướng, điều kiện thuận lợi, ưu đãi đã được xác định trong đề án; gắn quy hoạch đô thị, công nghiệp, dịch vụ, kế hoạch sử dụng đất với phát triển bền vững nhà ở để xây dựng lộ trình giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Nghiên cứu phát triển quỹ nhà ở cho thuê dài hạn với giá rẻ Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội, để hỗ trợ lao động trẻ, Nhà nước cần sớm nghiên cứu phát triển quỹ nhà ở cho thuê dài hạn với giá rẻ, ưu tiên nhóm lao động trẻ, công nhân viên chức, trí thức trẻ, các lao động làm việc trong ngành nghề trọng điểm. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng, giúp người lao động dễ dàng di chuyển từ khu vực giá rẻ đến trung tâm làm việc. |