Giá thuê tăng do nguồn cung mới hạn chế

Theo khảo sát, các giao dịch thuê mặt bằng bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh đối với nhà mặt phố đa số khách thuê chủ yếu đến từ ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống, thời trang...

Động lực tăng trưởng đến từ tầng lớp trung lưu, với nhu cầu cao về các hoạt động ăn uống, mua sắm và giải trí đã thúc đẩy sự hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, cho biết mức độ quan tâm tìm kiếm tăng mạnh ở một số tuyến phố thuộc các quận tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có quận 7 (tăng 30%) và một số quận khác như: Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh...

Còn tại các trung tâm thương mại, giá chào thuê bất động sản bán lẻ ở thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh duy trì mức tăng nhờ vào nguồn cung mới hạn chế kể từ năm 2020.

Báo cáo CBRE cho thấy, tại Hà Nội, giá thuê tầng trệt tại khu vực trung tâm ở mức 163,2 USD/m2/tháng, tăng 13,4% so với năm trước. Tỷ lệ trống khu vực trung tâm giảm xuống còn 1,7%, giảm 3,1 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, giá thuê trung bình khu vực trung tâm gần ngưỡng 240 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 1,8% so với năm trước. Tỷ lệ trống khu vực trung tâm ở mức 4,7%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý I/ 2023. Diện tích bán lẻ trống tại khu vực trung tâm ở cả hai thành phố đều ở ngưỡng rất thấp.

Tại khu vực ngoài trung tâm, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều ghi nhận mức giá thuê tăng trưởng tốt. Mức giá thuê ngoài trung tâm tại Hà Nội đạt 30,6 USD/m2/tháng, tăng 13,9% so với năm trước. Ở TP. Hồ Chí Minh, mức giá thuê cùng khu vực tăng mạnh lên 53,3 USD/m2/tháng, tương đương với mức tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023 do một số trung tâm tái cơ cấu khách thuê.

Đối với tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đạt lần lượt 89% và 90%, tăng nhẹ theo năm.

Thị trường bất động sản bán lẻ: Giao dịch thuê tăng nhờ các thương hiệu nước ngoài
Diễn biến tình hình hoạt động của thị trường bán lẻ Việt Nam trong quý I/2024. (Nguồn CBRE)

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết trong thời gian kinh tế gặp nhiều thách thức, tỷ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tuy có biến động, nhưng cũng nhanh chóng tìm được khách thuê thay thế. Xu hướng các trung tâm sẽ được lấp đầy bởi nhiều khách thuê lớn hơn bởi đảm bảo cung cấp cho khách mua sắm trải nghiệm đa dạng với đầy đủ dịch vụ cộng thêm.

Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, giá thuê có thể tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, cụ thể tăng từ 2 - 3% tại khu vực ngoài trung tâm và 5 - 8% tại khu vực trung tâm.

Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cũng cho rằng các đơn vị bán lẻ trong nước và nước ngoài đang có xu hướng chuyển vào các trung tâm thương mại. Với lợi thế được phát triển bài bản, lưu lượng khách hàng dồi dào, ổn định.

“Các trung tâm thương mại không chỉ hỗ trợ đắc lực cho các thương hiệu bán lẻ trong việc xây dựng danh mục khách thuê, nâng cấp dịch vụ, tiện ích mà còn thu hút khách hàng hiệu quả” - bà Minh chia sẻ.

Thị trường chào đón các nhãn hàng lớn từ nước ngoài

Báo cáo CBRE cho thấy, nổi bật trong quý I/2024 là hoạt động khai trương của 2 nhãn hàng thời trang cao cấp là Rene Caovilla tại Union Square tại TP. Hồ Chí Minh và The Hour Glass Opera tại số 63 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Trong quý vừa qua, tập đoàn Vingroup cũng thoái vốn thành công Vincom Retail, với giá trị thương vụ lên đến 39.100 tỷ đồng.

Theo như khảo sát tâm lý khách thuê khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE vào tháng 3 năm 2024, nhu cầu mở rộng và nâng cấp của các thương hiệu bán lẻ giữ ở mức khả quan, chiếm đến 42% tổng số yêu cầu thuê lớn nhất trong quý I, nhu cầu thuê mới mặt bằng xếp thứ 2 với 34%.

Thị trường bất động sản bán lẻ: Giao dịch thuê tăng nhờ các thương hiệu nước ngoài
Thị trường bán lẻ Việt Nam chào đón nhiều thương hiệu cấp đến từ nước ngoài với các ngành hàng từ thời trang, ăn uống, (Ảnh minh hoạ, nguồn 1.6 Media)

“Việt Nam đang được đánh giá là thị trường trọng điểm trong Đông Nam Á để các đơn vị bán lẻ quốc tế mở rộng hoạt động, kéo theo nguồn cầu thị trường lớn. Năm vừa qua, nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài, nhất là thương hiệu cao cấp và hạng sang đa số đều ghi nhận doanh thu khá tốt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương so các khu vực khác. Vì vậy, các thương hiệu sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng cửa hàng trong năm nay. Tuy nhiên, mặt bằng bán lẻ cho thuê chất lượng cao và vị trí đắc địa tại Việt Nam vẫn khan hiếm” - bà Thanh chia sẻ.

Năm 2024 thị trường bán lẻ sẽ có 5 dự án mở mới tại Hà Nội, có tổng diện tích cho thuê gần 40.000 m2. Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, 2 trung tâm thương mại quy mô lớn sẽ khai trương, với tổng diện tích cho thuê của cả hai dự án gần 70.000 m2.

Riêng trong quý I năm nay, thị trường Hà Nội chào đón một dự án mới là khu phức hợp The Linc tại khu đô thị Park City Hà Nội, với 10.581 m2 diện tích cho thuê.

Dự kiến trong 5 năm tới, tổng nguồn cung mới trung bình mỗi năm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khoảng 65.000 m2, thấp hơn 57% so với trung bình của 10 năm vừa qua. Vì nguồn cung mới hạn chế, ít dự án quy mô hoàn thành, nhưng sẽ ít khan hiếm hơn trong những năm vừa qua./.