Giao dịch tăng, giá cũng tăng

Đánh giá tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường chưa có sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại, lượng cung nhà ở thương mại rất hạn chế, với khoảng 12.000 căn. Trong khi đó, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhất là đất nền tăng mạnh (ước tính khoảng 70.000 giao dịch thành công).

Thị trường bất động sản dần hồi phục, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm cao
Lượng giao dịch bất động sản tăng, giá cũng tăng. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Theo Bộ Xây dựng, năm qua, lượng giao dịch đất nền tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước. Phía Bắc tập trung tại các khu vực: Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa… Phía Nam tập trung tại các khu vực: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa…

Tại các các đô thị lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hầu như không có căn hộ giá 25 triệu đồng/m2. Giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%. Tại Hà Nội, nhà ở riêng lẻ trong dự án có mức giá phổ biến khoảng trên dưới 100 triệu đồng/m2, các dự án khu vực trung tâm lên đến trên 200 triệu đồng/m2, các dự án ở khu vực các huyện, xa trung tâm có mức giá khoảng 30 - 50 triệu đồng/m2.

Nguồn cung nhà ở thương mại thiếu hụt ở hầu hết các địa phương

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đang xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn. Cụ thể, thủ tục pháp lý phức tạp, thiếu đồng bộ, khiến nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương.

Ghi nhận của Bộ Xây dựng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng chỉ ra rằng, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Hiện nay, tại Hà Nội, giá nhà chung cư tăng khoảng 4 - 5%, cao hơn so với tại mức tăng ở TP. Hồ Chị Minh 1 - 2% so với cuối năm 2021.

Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5 - 7% so với quý trước). Thời điểm cuối tháng 3/2022, tại một số địa phương như: Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh.

Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, Bộ Xây dựng đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị… để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản dần hồi phục, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm cao
Bộ Xây dựng đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thị trường bất động sản phát triển bền vững. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Bộ Xây dựng cũng đang theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời thực hiện giải pháp làm lành mạnh thị trường khi cần thiết; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh, hoạt động sàn giao dịch, hoạt động môi giới bất động sản; kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng… thúc đẩy triển khai tạo nguồn cung cho thị trường.

Cùng với việc rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, thúc đẩy cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng chú trọng kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường; tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường...

Hiện tượng bán nhà “hai giá” nhằm trốn thuế còn khá phổ biến

Bộ Xây dựng đánh giá, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản vẫn chưa được kiểm soát tốt. Một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp. Còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản tự do không có chứng chỉ hành nghề. Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng “hai giá”, kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định, tạo điều kiện, không làm cản trở hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp có đủ năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh…

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay đang khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương; công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đô thị, đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng thông tin “đồn thổi” nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng bất động sản; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản./.