Thị trường chứng khoán trong nước tuần (27/11 – 1/12) tiếp tục là một tuần giằng co tích lũy trong biên độ hẹp. Điểm số có một tuần nhích tăng nhẹ, nhưng thanh khoản lại giảm sâu cho thấy sự thận trọng khá lớn trong tuần. Nhiều thông tin vĩ mô liên quan tới các quyết sách được quyết định trong kỳ họp Quốc hội đã rõ thông tin nhưng tác động là không lớn hoặc có cũng chỉ mang tính phân hóa, cục bộ.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index hồi phục +6,55 điểm so với tuần trước, tương đương tăng +0,6%, dừng lại ở 1.102,16 điểm. Đây là tuần tăng đầu tiên sau 2 tuần giảm liên tiếp kèm thanh khoản cao trước đó. Mức tăng tốt nhất trong tuần vừa qua thuộc về nhóm cổ phiếu nhỏ (Smallcap: +1,39%), tuy vậy đáng chú ý vẫn là nhóm cổ phiếu vừa (Midcap: +0,68%) khi nhóm cổ phiếu này vẫn duy trì đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp. Trong, khi đó nhóm VN30 tuần vừa qua chỉ có mức tăng nhẹ +0,28%.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng trong biên độ hẹp. Theo đó, chỉ số HNX-Index ghi nhận mức tăng +0,07% lên 226,26 điểm; UPCoM-Index tăng +0,24% để đóng cửa tại 85,19 điểm.
Tính chung trong cả tháng 11/2023, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.091,13 điểm, tăng +6,4%, chấm dứt chuỗi 2 tháng giảm liên tiếp. Nhìn tổng thể cả tháng 11, dù phần lớn thời gian thị trường đi ngang tích lũy nhưng độ rộng thị trường ghi nhận mức tăng trên diện rộng.
Quay lại với tuần qua, với thị trường chung duy trì tích lũy trong biên độ hẹp, nên diễn biến các nhóm ngành cũng không có nhiều điểm nhấn nổi bật.
Trong tuần, VHM (+4,6%), BID (+1,7%), HPG (+1,9%) tăng điểm mạnh và là các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng VCB (-1,2%), STB (-2,8%) và TCB (-1,0%) gây áp lực lên chỉ số chung. |
Thống kê cho thấy, trong tuần có một số mã tích cực vượt trội trong các nhóm ngành như: Nông nghiệp với HAG (+13,46%), DBC (+4,58%), LSS (+3,56%)... thanh khoản đột biến; nhóm bất động sản khu công nghiệp với ITA (+7,48%), VGC (+6,15%), GVR (+3,07%)...; nhóm cảng, vận tải biến với DVP (+10,00%), VOS (+8,70%), HAH (+6,77%)...; và nhóm bán lẻ với PET (+5,94%)...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài các cổ phiếu có diễn biến tích cực như SJS (+10,47%), NTL (+6,11%), VHM (+4,60%)... thì đa số chịu áp lực giảm điểm với LDG (-11,31%), TDC (-5,91%), L14 (-5,15%), CEO (-3,57%)...
Các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực trong tuần khi hầu hết giảm điểm, thanh khoản rất thấp, chưa thu hút dòng tiền tham gia như STB (-2,83%), EIB (-2,14%), NAB (-2,10%), VAB (1,49%)... ngoài BID (+1,72%), LPB (+0,99%), BVB (+0,96%)...
Các nhóm ngành khác không có nhiều diễn biến nổi bật trong tuần, kết thúc tuần đa số biến động trong biên độ hẹp, duy trì quá trình tích lũy với thanh khoản ở mức thấp.
Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần giảm -28,9% so với tuần trước, xuống 15.038 tỷ đồng, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng sụt giảm +29,5% còn 13.407 tỷ đồng. Đây cũng là tuần đầu tiên thanh khoản thị trường về dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng sau 3 tuần liên tiếp ở trên ngưỡng cao này. Thanh khoản giảm chủ yếu đến từ việc tâm lý thận trọng khiến dòng tiền mua không nhập cuộc, trong khi đó, áp lực bán không quá lớn.
Khối ngoại bán ròng 752 tỷ đồng trong tuần vừa qua, đây cũng là tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại. Tính lũy kế kể từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng 13.041 tỷ đồng. Như vậy, mạch bán ròng của khối ngoại kể từ tháng 4 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu quay đầu.
Như vậy, thị trường chứng khoán đã bước vào tháng cuối cùng của năm 2023 với một phiên tăng vào đầu tháng nhờ lực hồi cuối phiên. Các thông tin quan trọng chờ đợi quyết định cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội cũng đã lộ diện chính thức. Nhiều thông tin khá tích cực như tiếp tục giảm thuế VAT đến 30/6/2024; thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi)… hay việc Ngân hàng Nhà nước “cân lại” chỉ tiêu tín dụng các ngân hàng… đã được thị trường đón nhận, nhưng sự phản ứng lại không nhiều. Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trong khi PMI tháng 11 của Việt Nam giảm xuống mức thấp của 5 tháng là 47,3 điểm trong tháng 11, so với 49,6 điểm của tháng 10.
Về kỹ thuật, thị trường đang dao động trong vùng tích lũy với biên dưới ở vùng 1.075 điểm, biên trên ở vùng 1.115 – 1.120 điểm. Với thanh khoản tuần vừa qua giảm tới 30% so với tuần trước, dòng tiền đã trở nên thận trọng nên xu hướng đi ngang khả năng vẫn là chủ đạo chừng nào vùng hỗ trợ 1.075 điểm chưa bị vi phạm. |
Thị trường chứng khoán dự báo sẽ vẫn duy trì diễn biến tích lũy trong biên độ hẹp. Tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ nhìn dài hơn sang tuần sau nữa từ cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của FED vào ngày 12 - 13/12. Đây sẽ là cuộc họp cuối cùng của FED trong năm nay và trên thị trường lãi suất tương lai giới đầu tư đang đặt cược FED sẽ không tăng lãi suất trong kỳ họp cuối cùng này.
Ở trong nước, tháng cuối năm thường có sự sôi động hơn khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cũng vào chặng nước rút. Nhìn một cách tổng thể, tình hình vĩ mô trong nước mặc dù không đạt kỳ vọng nhưng tăng trưởng GDP đạt mức cao so với mặt bằng chung thế giới. Kết quả kinh doanh quý IV của doanh nghiệp có thể khả dĩ hơn khi chiều hướng khó khăn đang thu hẹp dần. Mọi sự bứt phá vẫn chưa dám quả quyết sẽ đến, nhưng cũng không ngoại trừ tâm lý cuối năm có thể khiến dòng tiền nhập cuộc để tìm kiếm lợi nhuận cho chu kỳ đầu năm sau.
Về kỹ thuật, thị trường đang dao động trong vùng tích lũy với biên dưới ở vùng 1.075 điểm, biên trên ở vùng 1.115 – 1.120 điểm. Với thanh khoản tuần vừa qua giảm tới 30% so với tuần trước, dòng tiền đã trở nên thận trọng nên xu hướng đi ngang khả năng vẫn là chủ đạo chừng nào vùng hỗ trợ 1.075 điểm chưa bị vi phạm.
Theo chuyên gia của VNDIRECT, với những chuyển biến tích cực hơn của các yếu tố vĩ mô trong những tuần gần đây, thị trường vẫn đang duy trì vận động trong xu hướng phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tích lũy và xây nền tại vùng 1.080 - 1.020 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu cho giai đoạn tới, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu, đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán./.