trang 12

Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu.

Đây là chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan. Dưới góc độ đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), bà đánh giá như thế nào về những kết quả này?

- Bà Trần Thị Thu Hương: Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan là một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực trong cải cách TTHC trong hơn 2 năm vừa qua. Bằng chứng là nhiều cuộc khảo sát do VCCI thực hiện, cộng đồng DN đều đánh giá cao những đổi mới, cải cách trong lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, điều mà các DN nhận thấy rõ nhất là việc đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC trong kê khai và nộp thuế, thủ tục hải quan...

Riêng trong lĩnh vực hải quan, DN đánh giá rất cao về những đổi mới trong cơ chế chính sách pháp luật, TTHC hải quan, theo đó, phần lớn DN cho rằng khả năng tiếp cận các thủ tục hải quan hiện khá dễ dàng và thuận lợi.

Bên cạnh đó, DN cũng đánh giá cao những cải cách, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), thông qua nhiều giải pháp như bãi bỏ nhiều chứng từ, áp dụng các phương thức quản lý hải quan hiện đại, phối hợp thu nộp thuế bằng phương thức điện tử qua ngân hàng thương mại, thực hiện địa điểm kiểm tra chuyên ngành “một cửa” tại cửa khẩu, tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiệp vụ…

ba huong

Bà Trần Thị Thu Hương

Đặc biệt, cộng đồng DN đánh giá rất cao việc xây dựng, áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS trong việc thực hiện thông quan hải quan điện tử. Theo đó, thời gian làm thủ tục thông quan chỉ còn tính bằng giây, chỉ 1 - 3 giây là có thể xử lý xong hồ sơ. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa XNK cho DN.

* PV: Theo một kết quả công bố của VCCI gần đây cho thấy, pháp luật hải quan Việt Nam gần như đã tương thích 100% với các điều khoản cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và các FTA khác. Thế nhưng, nhiều người lại đặt câu hỏi, nếu như mọi tiêu chuẩn trong pháp luật hải quan Việt Nam đã đạt ngang tầm quốc tế thì tại sao vẫn có ý kiến DN phàn nàn về những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hải quan. Bà có thể làm rõ vấn đề này?

- Bà Trần Thị Thu Hương: Rà soát pháp luật hải quan Việt Nam với các cam kết của EVFTA đã chỉ ra, pháp luật hải quan của Việt Nam về cơ bản đã tương thích với pháp luật hải quan của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, không chỉ dừng lại ở rà soát riêng “độ vênh” ở góc độ pháp luật mà quan trọng nằm ở hiệu quả thực hiện. Theo đó, để nâng cao hiệu quả trong việc thực thi pháp luật về hải quan, tôi cho rằng, nếu chỉ cải cách vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật của hải quan thì chưa đủ, mà cần có sự đồng bộ, nhất quán giữa các bộ, ngành khác liên quan.

Thực tế, kết quả đo thời gian giải phóng hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tổng thời gian từ khi đăng ký tờ khai đến khi thông quan/giải phóng hàng, thì thời gian của cơ quan hải quan chỉ chiếm khoảng 28% (tương đương 32 giờ 37 phút/115 giờ). 72% khoảng thời gian còn lại nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc xử lý thủ tục của các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan đến quá trình làm thủ tục hàng hóa XNK của DN. Những kiểm tra chuyên ngành này lại liên quan đến pháp luật của các bộ, ngành khác nhau, trong đó, tình trạng phổ biến tại các bộ quản lý chuyên ngành là danh mục hàng XNK quá tải, không rõ ràng và giải thích khác nhau. Nói cách khác, giữa các cơ quan quản lý đang thiếu sự phối hợp đồng bộ để kế thừa kết quả báo cáo, kiểm tra của nhau, dẫn đến DN phải khai báo, chờ kiểm tra qua rất nhiều vòng. Đây chính là lý do dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa của DN bị kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, còn những phản ánh, phàn nàn của DN về quá trình giải quyết thông quan hàng hóa XNK.

* PV: Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các FTA, theo đó sẽ có nhiều cam kết cao hơn về đơn giản hóa, minh bạch và thuận lợi thủ tục hải quan; vậy, làm thế nào để cải thiện những vướng mắc trên, thưa bà?

- Bà Trần Thị Thu Hương: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, thông qua việc tham gia và ký kết nhiều FTA lớn, với kỳ vọng các DN Việt sẽ được hưởng những ưu đãi thuế quan hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu chỉ có những lợi thế về thuế thì chưa đủ để DN đẩy mạnh cạnh tranh xuất khẩu, mà DN còn cần được hỗ trợ từ những cải cách về TTHC từ các bộ, ngành khác tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Do đó, dù sản phẩm của DN Việt có chất lượng, có sức hấp dẫn… nhưng nếu chúng ta không cải cách TTHC, DN vẫn gặp khó khăn trong xuất, nhập khẩu, gia tăng chi phí… thì hàng hóa Việt Nam khó có thể có sức cạnh tranh lớn, xuất khẩu mạnh đi thị trường các nước, và vì vậy những lợi thế từ việc tham gia các FTA sẽ không còn nhiều giá trị nữa…

* PV: Xin cảm ơn bà!

Thiện Trần (thực hiện)