Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì hội thảo giới thiệu về nghị định 52. Ảnh: Hà Phương
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ các đối tác phát triển và nhà tài trợ lớn (WB, ADB, các cơ quan hỗ trợ phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức); đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và đại diện Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Nguyễn Xuân Thảo nêu rõ, việc cho vay lại ngân sách địa phương phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 52 và các quy định pháp luật liên quan.
Vốn vay lại phải được trả nợ đầy đủ, đúng hạn từ nguồn ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Khi UBND cấp tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi, tỉnh phải xác định được cơ chế tài chính, tỷ lệ cho vay lại, hiệu quả dự án, khả năng trả nợ.
Việc cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với UBND cấp tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với khả năng tài chính của địa phương. Đối với cho vay lại chính quyền địa phương, tỷ lệ cho vay lại các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương được xác định theo điều kiện của nguồn vốn (vay ODA và vay ưu đãi).
Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm (gồm 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương và 2 nhóm đối với các tỉnh có điều tiết về ngân sách trung ương).
Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 3 nhóm bao gồm nhóm các địa phương khó khăn nhất (được ngân sách địa phương trợ cấp trên 70%) và có huyện thuộc danh mục Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhóm các tỉnh khác có nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương và nhóm các tỉnh có điều tiết về Trung ương.
Đối với các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, tỷ lệ cho vay lại thống nhất là 70%. Riêng về nội dung tỷ lệ cho vay lại, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1107/QĐ-BTC công bố tỷ lệ vay lại cụ thể của từng địa phương theo các nguyên tắc của Nghị định.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục QLN&TCĐN, Nghị định 52 là nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường bền vững nợ công thông qua chia sẻ nghĩa vụ trả nợ giữa các cấp ngân sách; nâng cao tính chủ động của địa phương trong quản lý, thực hiện dự án và góp phần quản lý hiệu quả nợ của địa phương. Đồng thời, là công cụ để phân bổ nguồn lực, ưu tiên sử dụng nguồn ODA cho các địa phương khó khăn; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý nợ của địa phương để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam không còn tiếp cận được nguồn vốn vay ODA và chuyển sang vay theo điều kiện thị trường.
Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu và chuyên gia đều thống nhất vai trò quan trọng của Nghị định 52 trong việc thiết lập khuôn khổ dự báo và minh bạch để tài trợ cho chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ tài chính ngân sách và liên chính phủ rộng lớn hơn cùng môi trường ODA thay đổi. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã kiến nghị những đề xuất quan trọng nhằm triển khai hiệu quả Nghị định trong thực tế.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng: các địa phương cần rà soát toàn bộ các khoản vay lại và đề xuất vay lại với kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh/thành phố; rà soát phân công nhiệm vụ giữa các ban, ngành ở tỉnh, thành phố, bổ sung quy định phân công để làm cơ sở phối hợp thực hiện quản lý nợ chính quyền địa phương; xác định bộ phận chuyên trách thuộc Sở Tài chính theo dõi, quản lý nợ ngân sách địa phương.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Sở Tài chính Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định, liệu có được phép thành lập thêm phòng, ban để theo dõi, quản lý nợ của NSĐP không? Bà Nguyễn Xuân Thảo cho biết: Nghị định 52 chỉ nhấn mạnh việc giao trách nhiệm về quản lý chuyên trách nợ của NSĐP trong đó có vốn vay lại từ NSTW chứ không đề cập đến vấn đề tổ chức bộ máy. Việc mở thêm phòng, ban phải tùy thuộc các quy định của UBDN, STC và các quy định tổ chức hiện hành.
Đóng góp thêm ý kiến về những điểm cần quy định tại Thông tư hướng dẫn Nghị định, đại diện Cơ quan hợp tác và phát triển Nhật Bản cho rằng, ngoài các nội dung dự kiến đưa vào Thông tư hướng dẫn Nghị định 52 về nguyên tắc quản lý tài chính, nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính, lập kế hoạch tài chính nguồn vốn ODA và vay ưu đãi cho vay lại…, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra các hệ thống báo cáo cũng như mẫu biểu về các số liệu cần thiết để tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ, nhất quán giữa Trung ương và các địa phương theo tháng/quý công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho các bên liên quan.
Cục QLN