Thu hồi đất phải đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người dân
Tình trạng phổ biến và gây nhiều hệ lụy hiện nay là việc mua găm đất, quây rào, bỏ hoang, chờ giá lên hoặc thổi giá lên để kiếm lời. Ảnh: TL

PV: Thưa ông, sau rất nhiều nội dung lớn đã được tiếp thu, hoàn thiện, đến nay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn có vấn đề gì mà ông băn khoăn?

Thu hồi đất phải đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người dân

GS.TS Hoàng Văn Cường: Lần sửa đổi Luật Đất đai lần này được kỳ vọng rất nhiều và trên thực tế, sau nhiều lần xem xét cũng đã có nhiều thay đổi cốt lõi, cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn có những điểm mà chúng ta mong muốn, kỳ vọng cao hơn nữa, để trở thành nguyên tắc cho sự phát triển.

Trong đó, nút thắt lớn nhất trong quan hệ đất đai hiện nay, theo tôi, là vấn đề về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nếu Luật Đất đai sau khi sửa đổi không giải quyết được thấu đáo vấn đề này, thì các quan hệ về xã hội, đầu tư, cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, sẽ rất khó khăn. Một nguyên nhân lớn khiến nhiều dự án lâu nay triển khai chậm là do khâu giải phóng mặt bằng, nên đây là một vấn đề trọng yếu của Luật Đất đai mới phải giải quyết.

Nghị quyết 18-NQ/TW đã đưa ra nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo cho người có đất bị thu hồi có được nơi ở, cuộc sống ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Điều này rất đúng đắn và phải là nguyên tắc căn cơ trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cho nên, dù không được đưa vào luật lần này, tôi cho rằng cũng phải có nguyên tắc, định hướng để các văn bản hướng dẫn thực thi quán triệt rõ tinh thần đó.

Nguyên tắc này không phải là điều gì xa vời, mà là rất nhân văn, bình đẳng và công bằng. Thực tế, dù giải phóng mặt bằng để làm đường, hay làm dự án kinh doanh thì đều nhằm mục tiêu mang lại sự phát triển cho xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người, vậy những người bị thu hồi đất cũng phải được hưởng lợi, hay ít nhất không bị thiệt thòi.

Theo tôi, quan điểm về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thay đổi, không phải trả cục tiền là xong. Giải phóng mặt bằng không phải là đi mua lại nhà, đất, mà còn phải tính toán tạo lập nơi ở, dịch vụ, việc làm cho người dân ở đó. Chẳng hạn xây nhà cao tầng thì tính toán cho người dân có thể bán hàng, kinh doanh ở khu vực tầng hầm. Lấy đất làm nhà máy thì tính toán cho người dân làm việc liên quan đến nhà máy, cung cấp các dịch vụ cho người công nhân. Hay với người không còn tuổi lao động thì có thể mua bảo hiểm để họ có lương hưu đảm bảo cuộc sống… Thực tế, ở nhiều nơi địa phương đã làm được việc này và có kết quả rất tốt.

PV: Hiện nay, một trong ba vấn đề lớn còn cần được thảo luận của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là về vấn đề thu hồi đất thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Tôi cũng rất băn khoăn về phương thức thu hồi đất, hay tự thỏa thuận khi thực hiện các dự án. Dư luận cho rằng phải tăng cường thỏa thuận, để người dân được quyền thỏa thuận với doanh nghiệp, tăng thêm quyền lợi cho người dân.

Song thực tế, đừng nghĩ rằng người dân thỏa thuận với doanh nghiệp họ được lợi. Doanh nghiệp chỉ trả tiền xong là xong. Họ sẽ không có các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như khi Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Như vậy người dân lấy gì để đảm bảo có nhà ở tốt hơn, giữ được sinh kế, có dịch vụ tốt…

Thực tế chúng ta đã thấy rất nhiều, nhận một cục tiền xong, hết tiền là tay trắng, sinh ra rất nhiều vấn đề về ổn định xã hội. Hơn nữa, chắc gì người dân đã đủ năng lực để đàm phán với nhà đầu tư sao cho có lợi hơn cho mình. Bên cạnh đó, cũng có những dự án bị đình trệ vì không thỏa thuận được với người dân khi tất cả đồng tình, chỉ 1, 2 người không đồng ý, vì thế doanh nghiệp cũng mong muốn được Nhà nước đứng ra.

Đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nếu Nhà nước lại bỏ quyền đó đi để các bên tự thỏa thuận thì không ổn. Như vậy là Nhà nước buông bỏ vai trò của mình trong sự phát triển. Dự án khi được thực hiện là phải phù hợp quy hoạch, được phê duyệt. Mục đích của việc quy hoạch là đều phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Việc thu hồi kết hợp với chính sách bồi thường, tái định cư phù hợp như tôi đã nói ở trên, thì chắc chắn đa số người dân sẽ đồng tình, dự án được thực hiện suôn sẻ, nhanh chóng, sớm mang lại các lợi ích như kỳ vọng.

Thu hồi đất phải đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người dân

PV: Một vấn đề được nhắc đến nhiều hiện nay sau những cơn sốt đất, bong bóng giá nhà là biện pháp để hạn chế đầu cơ, điều tiết địa tô. Theo ông, vấn đề này đã được quy định phù hợp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hay chưa?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Về điều tiết địa tô và hạn chế đầu cơ đất, đây cũng là vấn đề quan trọng Luật Đất đai phải giải quyết được. Tình trạng phổ biến và gây nhiều hệ lụy hiện nay là việc mua găm đất, quây rào, bỏ hoang, chờ giá lên hoặc thổi giá lên để kiếm lời. Tại sao họ làm được như vậy, vì giữ đất không phải chịu thuế, không mất chi phí, vài năm sau bán có thể kiếm lời hơn rất nhiều việc đầu tư sản xuất. Điều này gây nên hệ lụy là nguồn lực thay vì được đưa vào thị trường, quay vòng tạo ra giá trị kinh tế, tạo việc làm, thì lại bị găm giữ. Giá đất thì bị đẩy lên chóng mặt, khiến những người thu nhập thấp ngày càng khó mua được nhà. Đồng thời, những cơn sốt giá, bong bóng giá cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ cho thị trường tài chính và cả nền kinh tế.

Hầu hết các nước hiện nay đã dùng thuế để điều tiết vấn đề này, khi thuế đất cao, việc găm giữ đất không còn nhiều lợi nhuận thì chuyện đầu cơ đất sẽ giảm dần. Luật Đất đai không phải luật quy định về thuế, nhưng cần đưa ra yêu cầu, nguyên tắc để luật chuyên ngành triển khai chính sách này. Hiện trong luật cũng có đặt vấn đề về thuế đối với đất sử dụng vượt mục tiêu, hạn mức, để hoang hóa, nhưng thế nào là hoang hóa thì không rõ. Thực ra, dựng cái túp lều, trồng vài cái cây cũng là không để hoang hóa rồi, nên theo tôi cứ đánh vào giá trị của đất đai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Luật Đất đai ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Quy định của luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển.