Chiều 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Tài chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2025

Thu ngân sách ước vượt dự toán 19 - 20%

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là hoàn xuất sắc công tác thu chi trong năm 2024. Trong đó, thu vượt dự toán 19 - 20%, số thu tuyệt đối tăng ít nhất khoảng 300.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao chi thường xuyên đã tiết kiệm 10% ngay từ đầu năm và gần đây Thủ tướng chỉ đạo tiết kiệm thêm 5%, từ đó dành thêm nguồn lực gần 6.000 tỷ đồng để chi cho xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, chi ngân sách
Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của cả ngành Tài chính và của toàn thể công chức, viên chức, lãnh đạo ngành Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Theo Thủ tướng, năm 2024, chúng ta triển khai các kế hoạch trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức. Còn nền kinh tế nội tại có quy mô khiêm tốn, sức chống chịu có hạn, hậu quả dịch Covid-19 vẫn còn, cơn bão Yagi mạnh nhất trong 70 năm đổ bộ vào Việt Nam…

Tuy nhiên, với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, chúng ta vẫn đạt được thành tựu quan trọng trong tất cả lĩnh vực. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, trong khi lạm phát quý sau thấp hơn quý trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Các cân đối lớn không chỉ đủ mà còn có thặng dư cao hơn.

Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, là điểm sáng của thế giới về an sinh xã hội. Đồng thời, cũng là là điểm đến an toàn, hấp dẫn với các nhà đầu tư… "Những kết quả này có sự đóng góp gián tiếp của ngành Tài chính" - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của ngành năm qua, đó là ngoài thành tích nổi trội về thu chi ngân sách, ngành đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là nỗ lực lớn trong việc trình Quốc hội thông qua dự án 1 Luật sửa 9 luật, trình Chính phủ ban hành 23 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 86 thông tư hướng dẫn.

Điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, đảm bảo cân đối vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát mà vẫn thúc đẩy tăng trưởng. Phát huy vai trò tích cực của chính sách tài khóa, nuôi dưỡng nguồn thu, gia hạn miễn giảm thuế, phí, lệ phí, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội. Trong đó đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí lên tới gần 200.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ công, nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức thấp xa so với giới hạn Quốc hội giao, tạo dư địa để hỗ trợ cho phát triển.

Ngành Tài chính đã thực hiện tốt công tác điều hành giá cả, nâng cao hiệu quả điều hành quản lý nhà nước với thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm. “Nước ta là nước duy nhất ở Đông Nam Á thị trường chứng khoán tăng trưởng 2 con số trong năm qua” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm, vốn hóa thị trường đến nay đạt 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP năm 2023.

Nhất trí với các bài học kinh nghiệm đã được Bộ Tài chính nêu, Thủ tướng nhấn mạnh các bài học về đoàn kết thống nhất, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước. Cùng với đó là tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu làm lớn, nói đi đôi với làm, đổi mới sáng tạo. Dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, từ đó mới có không gian huy động nguồn lực phát triển đất nước.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng CNTT, hiện đại hóa ngành Tài chính, đặc biệt trong 2 lĩnh vực thuế và hải quan. Năm 2024 là năm thứ 10 liên tiếp, Bộ Tài chính nằm trong Top 3 cơ quan dẫn đầu về chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Toàn ngành đã rà soát bãi bỏ 68 thủ tục hành chính, thực thi nhiều phương án đơn giản hóa các thủ tục… Đây là cố gắng rất lớn, Thủ tướng đánh giá.

Cùng với đó, đã tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật tài chính ngân sách. Riêng năm 2024, toàn ngành giảm 679 biên chế so với năm 2023.

“Đây là những điểm nhấn của ngành Tài chính năm qua, thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng phấn đấu, đoàn kết, thống nhất toàn ngành, góp phần vào thành tựu chung của cả nước” - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, chi ngân sách
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nhìn nhận có những việc cần phải nỗ lực hơn. Đó là công tác phối hợp với các bộ ngành, địa phương, phản hồi các văn bản đóng góp ý kiến; giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia chưa có nhiều chuyển biến; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính một số nơi chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí…

Quyết liệt triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Đối với năm 2025, Thủ tướng nêu rõ trong khi bối cảnh thế giới có những thách thức mới, những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục, thì những nhiệm vụ mới lại nhiều hơn. "Thực hiện sắp xếp bộ máy, tổ chức Đại hội Đảng các cấp, phấn đấu tăng trưởng 8% để tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Do đó, năm 2025 cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa" - Thủ tướng yêu cầu.

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm Bộ Tài chính đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh thêm về một số nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất là tập trung cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, theo Thủ tướng “đây là một cuộc cách mạng”. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc này phải quyết liệt triển khai với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Qua sắp xếp, bộ máy phải tinh, gọn, lựa chọn được những người có tâm huyết, trách nhiệm trong khu vực nhà nước. "Làm tốt công tác tư tưởng, trong quá trình sắp xếp phải có sự hy sinh, nhường nhịn, để cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển" - Thủ tướng yêu cầu.

Thứ hai là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN, chứng khoán, trái phiếu... để huy động nguồn lực phát triển với quan điểm thể chế là đột phá của đột phá, thể chế là nguồn lực, động lực phát triển, nhất là xây dựng, hoàn thiện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đầu tư, đấu thầu…

Thứ ba, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và bám sát tình hình để phản ứng chính sách kịp thời, chọn việc hiệu quả nhất để làm.

Thứ tư, tập trung làm tốt công tác quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời,

Thứ năm, quản lý điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng thu, tiết kiệm chi để tập trung cho đầu tư phát triển, cho một số dự án lớn mang tính chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế.

Thứ sáu, tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm; tập trung hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025, để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, tạo kênh huy động vốn tốt hơn cho doanh nghiệp. Tính toán, tham mưu việc phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả.

Thứ bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả.

Thứ tám, quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; dứt khoát số hóa việc thu chi ngân sách, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế.

Thứ chín, chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá diễn biến cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp; tăng cường hợp tác tài chính tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, G20...

Mặc dù khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, ngành Tài chính sẽ tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được các năm trước, luôn đổi mới tư duy, phát huy sáng tạo để khắc phục mọi khó khăn, hạn chế, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2025, đạt thành quả năm sau cao hơn năm trước, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và tạo điều kiện thuận lợi để đạt các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và bước vào giai đoạn 2026 - 2030 với thế và lực mạnh mẽ hơn, tự tin bước vào kỷ nguyên mới.