Sáng 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam
Sáng 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh

Đây là lần thứ 4, hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức và Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Dân Việt là đơn vị thực hiện.

Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có hơn 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên Hội Nông dân cả nước, trong đó có 29 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết qua 3 lần tổ chức hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng, các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương tập trung giải quyết, tạo sự biến chuyển lớn, được đông đảo nông dân đồng tình. Đó là các vấn đề: nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân trẻ khởi nghiệp; quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022 được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị...

Theo ông Lương Quốc Đoàn, những vấn đề lớn, nổi cộm kiến nghị với Thủ tướng tại hội nghị này, đó là: Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nông dân cũng như doanh nghiệp đối tác nhà nông nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển, liên kết "4 nhà", trong đó liên kết trung tâm "Nhà nông – Doanh nghiệp" nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy. Vấn đề đặt ra, đó là cần tập trung giải quyết mối liên kết “4 nhà”, trong đó trọng tâm là phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới như thế nào?

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 nội dung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; nhiều nghị quyết của Đảng đều xác định vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, mục tiêu tỷ lệ kinh tế số trong GDP đến năm 2025 là 20%, năm 2030 là 30%. Như vậy, muốn có một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại, cần có những người nông dân văn minh, nông dân có tri thức. Do vậy đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình và có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cả một số doanh nghiệp nước ngoài, làm xuất hiện hình thức “gia công trong nông nghiệp”. Điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân hưởng lợi ít và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này là câu hỏi lớn cần được trả lời.

Ngoài ra, ông Lương Quốc Đoàn cũng đặt vấn đề, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, 70 - 80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó trên 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao (đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp). Trong thời gian tới, giải pháp, chính sách nào tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường…

Sáng 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam
Hàng trăm nông dân có mặt từ sớm để tham gia đối thoại với Thủ tướng. Ảnh: Khánh Linh

Phát biểu định hướng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, chúng ta cần xây dựng và phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ, trong đó có nông nghiệp, đồng thời phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đây là hai mặt của một quá trình, có liên hệ qua lại với nhau.

Đại diện ban tổ chức cho biết, tính đến trước thời điểm diễn ra hội nghị, ban tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.