Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đưa Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm phát triển của Sơn La và Tây Bắc
Trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho hạng mục Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu. Ảnh: Phúc Nguyên

Ngày 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án “Tổ hợp trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu" tại Mộc Châu (Sơn La).

Dự án sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng/năm

Dựa trên định hướng mục tiêu là phát triển du lịch tại Mộc Châu gắn liền với chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Sơn La, trong đó ngành chăn nuôi bò sữa là chủ lực, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) đã xây dựng "Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu" như một hệ sinh thái khép kín từ sản xuất nông nghiệp tới chế biến sữa công nghệ cao đi đôi với phát triển bền vững, kết hợp du lịch sinh thái để bảo tồn và phát huy các giá trị của thiên nhiên, đồng cỏ vốn là bản sắc vùng cao nguyên Mộc Châu.

Tổ hợp "Thiên đường sữa Mộc Châu” gồm 2 hạng mục chính: Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu và Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu. Trong đó, trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với quy mô 4.000 con (trong đó có khoảng 45-50% vắt sữa) đáp ứng sản xuất khoảng 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu mỗi năm cho nhà máy sản xuất; khu cảnh quan sinh thái đồng cỏ và các công trình tiện ích, thương mại dịch vụ phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu Mộc Châu Milk và du lịch Mộc Châu.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Sơn La và Mộc Châu Milk, Vinamilk đã thực hiện nghi thức khởi công tổ hợp "Thiên đường sữa Mộc Châu" và trao giấy chứng nhận chủ trương dự án nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu.

Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu có diện tích 26 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy này là 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày giai đoạn 1 và có thể nâng lên 1.000 tấn/ngày trong giai đoạn 2.

Dự án khi triển khai được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng, góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tạo thêm sản phẩm du lịch cho huyện Mộc Châu.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tiếp nối truyền thống đoàn kết, vượt khó, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu, có bước bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi với việc đổi mới tư duy, "đưa cây ăn quả lên sườn dốc". Điều này là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, mang lại của cải vật chất, cải thiện đời sống người dân.

"Sơn La đã thay đổi rất nhiều, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Cách đây mấy năm, không ai nghĩ Sơn La có thể trồng được các loại cây ăn quả phong phú, càng không nghĩ là Sơn La có thể xuất khẩu được các loại hoa quả như hiện nay. Tỉnh đã thực hiện thành công chủ trương của Đảng về cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp, tại vùng đất khó khăn này" -Thủ tướng ghi nhận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm phát triển của Sơn La và Tây Bắc
Thủ tướng hoan nghênh dự án Thiên đường sữa. Ảnh: Nhật Bắc

Đưa Mộc Châu trở thành trung tâm phát triển của Sơn La và Tây Bắc

Sơn La nói chung và Mộc Châu nói riêng có điều kiện phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và cả công nghiệp chế biến. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Sơn La, Vinamilk, Mộc Châu Milk phải phối hợp, phát triển hài hòa, đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Trong đó, khi tái cấu trúc lại dân cư, tái định cư phải đảm bảo cho người dân ở nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Thông qua dự án này và các dự án khác phải góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí metan, phát triển kinh tế số, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, đưa Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm phát triển của Sơn La và Tây Bắc.

Tỉnh Sơn La phải rà soát lại quy hoạch để phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Mộc Châu; nghiên cứu, có chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lực, nhất là hợp tác công tư cho phát triển Mộc Châu; đề cao tính tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; xây dựng cao nguyên Mộc Châu thành vùng phát triển năng động, xanh, nhanh, bền vững...

Để dự án sớm hoàn thành, hoạt động hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nhà đầu tư cần tập trung nguồn lực để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuân thủ quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình cá nhân để xây dựng nối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đóng góp vào sự phát triển ngành chăn nuôi bò, công nghiệp chế biến sữa của tỉnh Sơn La. Các nhà đầu tư cần chú trọng xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ, bình đẳng cùng có lợi với người dân; tăng cường chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân. Xây dựng được mối quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi giữa nhà đầu tư - người nông dân là yếu tố bảo đảm dự án thành công bền vững và thực sự là nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thủ tướng mong muốn, chính quyền, doanh nghiệp, người dân cùng cố gắng thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác Hồ, "Luôn luôn cố gắng/khắc phục khó khăn/tiến lên thật hăng/làm tròn nhiệm vụ", để Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm phát triển nhanh và bền vững của Sơn La và Tây Bắc.