ảnh minh họa

Những thành tích về tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm qua cũng đã khẳng định sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi nói về cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN).

PV: Thưa ông, hiện nay Việt Nam đã hình thành một đội ngũ doanh nhân đông đảo, trưởng thành. Ông nhận định như thế nào về vai trò của cộng đồng doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay?

Ông Vũ Tiến Lộc
Ông Vũ Tiến Lộc
Ông Vũ Tiến Lộc:
Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành lớn mạnh. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam là đại diện cho sức sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, sự phát triển của đất nước phụ thuộc nhiều vào khát vọng kinh doanh, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dấn thân của đội ngũ doanh nhân. Trong thời đại hiện nay, vị thế của một quốc gia, dân tộc trước hết phụ thuộc vào vị thế kinh tế. Trong khi đó, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN. Trên thực tế, những thành tích về tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm qua cũng đã khẳng định sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN…

PV: Quá trình hội nhập cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang đem đến cả cơ hội cũng như thách thức đối với cộng đồng DN Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đội ngũ doanh nhân – người chèo lái “con thuyền” DN cần có tâm thế như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết có thể thấy, CMCN 4.0 đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, với tốc độ lan tỏa nhanh chóng và sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Cùng với đó, tương lai của việc làm sẽ thay đổi trong kỷ nguyên 4.0, bởi khoảng 70% công việc hiện tại có khả năng biến mất hoặc bị biến đổi, hàng loạt công việc mới sẽ được tạo ra trong 10 năm tới. Theo đó, cũng giống như các DN trên toàn cầu nói chung, DN Việt Nam đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ của CMCN 4.0 – kỷ nguyên của robot, nhất là làm thế nào để xây dựng chiến lược kinh doanh mới, chiến lược quản trị nguồn nhân lực đa dạng giữa con người – robot…

Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 không chỉ mang đến những thách thức, mà cũng sẽ mang lại cơ hội lớn cho mọi loại hình DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Nếu như quá trình hội nhập trước đây, hội nhập là “cuộc chơi” của các DN lớn, các DNNVV dường như chỉ quẩn quanh trong “sân nhà”, thì nay dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, thế giới dường như đang nhỏ lại, còn các DNNVV đang lớn lên. Bởi, trong kỷ nguyên CMCN 4.0, với sự trợ giúp của công nghệ thực tế ảo, công nghệ thông tin, thương mại điện tử… thì những DNNVV, thậm chí siêu nhỏ cũng có thể dễ dàng tiếp cận được thị trường toàn cầu, tiếp cận những công nghệ hàng đầu để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, quy mô của DN không phải là lợi thế cạnh tranh nữa, mà quyết định sự cạnh tranh là tốc độ. Thời kỳ này là thời kỳ của “con cá bơi nhanh xơi con cá bơi chậm, chứ không phải là thời kỳ của cá lớn nuốt cá bé”. Các DNNVV có thể đi nhanh hơn, bật xa hơn nếu biết nắm bắt cơ hội của xu thế cách mạng 4.0.

Như vậy, CMCN 4.0 sẽ là bánh xe lớn thúc đẩy cho các DN nhảy cao hơn, xa hơn hoặc có thể sẽ bị bật ra ngoài vòng quay đó hay thậm chí bị nghiền dưới bánh xe đó… “Số phận”, tương lai của DN như thế nào, phụ thuộc vào sự chèo lái của người cầm lái – doanh nhân, lãnh đạo DN. Theo đó, để nắm bắt cơ hội đồng thời hạn chế những thách thức do tác động trái chiều của CMCN 4.0 mang lại, người chủ DN cần phải hoạch định cho DN chiến lược bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, năng lực quản trị công ty… để xây dựng DN phát triển bền vững.

PV: Ông kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Vũ Tiến Lộc: Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu DN, trong đó có những DN mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, chúng ta cũng đặt mục tiêu xây dựng được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành cộng đồng DN có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…

Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN Việt Nam có một điểm rất đáng quý là có tinh thần khởi nghiệp, tinh thần sáng tạo cao và Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp cao trên thế giới.

Theo đó, tôi tin tưởng và hy vọng đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN Việt sẽ tạo được những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, tôi cũng kỳ vọng đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN sẽ xây dựng được tinh thần doanh nhân, văn hóa doanh nhân, DN có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bởi, trong kỷ nguyên 4.0, kỷ nguyên robot, thì trong tương lai các robot, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế vị trí điều hành, lãnh đạo DN của các doanh nhân trong việc ra các quyết định về công nghệ, về quản trị, tài chính… của DN. Tuy thế, vai trò thắp lửa và giữ lửa “phần hồn” của DN (tức văn hóa DN) thì robot, trí tuệ nhân tạo không làm thay được và vai trò đó vẫn phụ thuộc vào đội ngũ doanh nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thiện Trần (ghi)