Bảo hiểm xã hội đã chi trên 45.444 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động Đề xuất gia hạn hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 1.155 tỷ đồng

Tiếp tục chi trả 1.155 tỷ đồng cho hơn 414.000 người lao động

Trước đó, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, tính đến 31/7/2022 đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 346.806 đơn vị, tương ứng 11,785 triệu lao động với số tiền được điều chỉnh giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 7.560 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 9/2022, số tiền giảm đóng vào Qũy Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 9.104 tỷ đồng.

Nghị quyết của UBTVQH cho phép sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.

Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022. UBTVQH giao Chính phủ triển khai thực hiện việc chi trả đúng thời hạn và báo cáo UBTVQH kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết này tại Phiên họp tháng 9/2022 của UBTVQH.

Về hỗ trợ người lao động, đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo đúng thời hạn quy định, tính đến 31/12/2021 đã chi trả cho 12,968 triệu lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, không có sai sót về hồ sơ với tổng số tiền chi trả là 30.804 tỷ đồng.

Trong quá trình đánh giá tác động chính sách, dự báo đối tượng thụ hưởng và dự tính số tiền thực tế chi trả cho người lao động chưa sát thực tế. Do đó khi triển khai chính sách, số tiền thực tế chi trả hỗ trợ lên tới 30.804 tỷ đồng (Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 cho phép sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động). Đồng thời, cũng vẫn còn số lao động thuộc đối tượng thụ hưởng của Nghị quyết 03 chưa được chi trả, với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng (cho hơn 414 nghìn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị đúng hạn).

Do đó, Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho phép kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 03 với nội dung cho phép tiếp tục chi trả số tiền hỗ trợ này, thời hạn thực hiện chi trả là 1 tháng.

Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 31/12/2021 là 61.459 tỷ đồng. Nếu tiếp tục chi trả cho người lao động theo đề nghị với số tiền khoảng 1.155 tỷ đồng thì dự kiến tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 26.740 tỷ đồng, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn vì vẫn cao hơn 2 lần tổng chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 (số chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý năm 2021 là 18.000 tỷ đồng, chưa bao gồm kinh phí dự kiến hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động theo Nghị quyết 03).

Chính sách hỗ trợ nhanh, trúng và cần thiết

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì thấy rằng, đây là kết hợp giữa quyền lợi đóng - hưởng của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ trong bối cảnh đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19, sự vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách của các cơ quan có liên quan, không phải lỗi từ phía người lao động.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Thúy Anh, việc chưa chi trả đối với những trường hợp đã được xét duyệt và những người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đúng hạn theo hướng dẫn nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt đã tạo dư luận không tốt, gây mất niềm tin của người lao động, giảm ý nghĩa của chính sách, gây ra áp lực rất lớn cho các cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết chế độ và cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Thảo luận về nội dung này, đa số các Ủy viên UBTVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động và ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan đã chủ động, nỗ lực, kịp thời triển khai thực hiện bảo đảm minh bạch, đúng mục đích, nguyên tắc hỗ trợ của Nghị quyết 03.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, nghị quyết này là một trong những nghị quyết mà UBTVQH đã cùng với Chính phủ làm rất nhanh, trúng và cần thiết. Giá trị lượng tiền khá lớn nhưng tính khả thi cao, vào cuộc sống rất nhanh, không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động mà còn góp phần hỗ trợ nền kinh tế rất tốt trong giai đoạn đó.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác theo dõi, quản lý danh sách, cơ sở dữ liệu, công tác dự báo và kết nối thông tin trong việc đề xuất ban hành chính sách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chính phủ cần làm rõ thêm số đã nộp hồ sơ đến hết thời hạn này đã bao gồm hết tất cả các đối tượng chưa, đặc biệt là liên quan đến đối tượng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng hay hưởng một phần chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

Bế mạc phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau khi cho ý kiến về nội dung này, UBTVQH đã bế mạc phiên họp thứ 14. Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau khi hoàn thành các nội dung của phiên họp thứ 14, tuần sau từ 15 đến hết 18/8, UBTVQH sẽ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đây là một nội dung hết sức quan trọng để chuẩn bị cho các phiên họp của đại biểu chuyên trách và tiến tới kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội theo nhiệm vụ đã được giao khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan trình. “Lần này chúng ta trình tất cả đến 14 dự án luật, cả biểu quyết thông qua và cả cho ý kiến lần đầu, chưa kể một số nghị quyết có tính chất như luật, rất nhiều nội dung”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.