Tập kết vật liệu thi công cao tốc Mai Sơn Quốc lộ 45.

Tập kết vật liệu thi công cao tốc Mai Sơn Quốc lộ 45. Ảnh: Hùng Việt

Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mục tiêu của quy hoạch đã xác định phát triển mạng lưới đường bộ từng bước đồng bộ, một số công trình hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; hình thành hệ thống giao thông hợp lý giữa các phương thức vận tải; góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Đến năm 2030, mục tiêu là xây dựng hoàn thành khoảng 5.000km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài 29.795km; đến năm 2050 hình thành 41 tuyến với 9.014km cao tốc; quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ; điều chỉnh điểm đầu, cuối cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; điều chỉnh về chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tuỳ theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn.

Quy hoạch đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên trên nguyên tắc các dự án này đều phải bảo đảm tính lan tỏa; là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả; ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia.

Về nguồn vốn đầu tư, Bộ GTVT huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc, trong đó các dự án chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi”. Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng đa dạng thêm nguồn lực đầu tư thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách trung ương như đã triển khai trong trước đây.

Đẩy nhanh giải ngân dự án đang thi công

Cũng theo Bộ GTVT, bên cạnh việc hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ Bộ GTVT cũng vẫn quyết liệt đôn đốc chỉ đạo về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn diễn ra rất phức tạp.

Theo Bộ GTVT, công tác giải ngân vốn đầu tư công của ngành GTVT cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, phần giải ngân cho khối lượng thi công còn thấp. Công tác quản lý, điều hành dự án của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn cần nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Đánh giá nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm 2021 rất nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giai đoạn cao điểm mùa mưa lũ, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan liên quan phải tập trung, nỗ lực thực hiện với quyết tâm cao nhất. Bộ GTVT lưu ý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan kiện toàn công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi theo phương châm 3 tại chỗ. Đồng thời, các đơn vị tập trung rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần rà soát, xây dựng, triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục xử lý các công việc trong quá trình thi công, giải ngân như: công tác nghiệm thu, thanh toán, cung ứng vật liệu, điều kiện phát sinh,… để đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án có mốc thời gian hoàn thành trong năm 2021 như: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; Dự án nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông…, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tập trung chỉ đạo xử lý tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân.

Đề cập đến nhóm dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công – tư), trong đó có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã được ký kết hợp đồng nhưng còn một số vướng mắc về tài chính, Bộ GTVT yêu cầu Vụ PPP, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp lý.

Đã giải ngân đạt 52,8% kế hoạch


Tổng kế hoạch vốn năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải khoảng 43.401 tỷ đồng. Đến đầu tháng 9/2021, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân lũy kế được hơn 22.700 tỷ đồng, đạt 52,8% kế hoạch, cao hơn bình quân chung của nước (35,7%) và cao hơn cùng kỳ năm 2020 (48,4%). Tuy nhiên, giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, phần giải ngân cho khối lượng thi công còn thấp.


Trí Dũng