Ngưng thi hành một phần Thông tư 06

Một trong những thông tin đáng chú ý tuần qua khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban thành Thông tư 10/2023/TT-NHNN, trong đó, ngưng áp dụng một số phần của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN liên quan đến các trường hợp không được cho vay.

NHNN cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục tìm cách “phá băng” tín dụng, giá vàng trồi sụt mạnh
Một số chuyên gia cho rằng cần có giải pháp kích cầu để giải quyết gốc rễ những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp. Ảnh: T.L

Thông tư 06 là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Ngoài các nội dung đề cập đến các trường hợp ngân hàng cho vay, một trong những điểm nổi bật của thông tư là các nội dung về cho vay theo hình thức điện tử.

Tiếp tục tìm các giải pháp khơi thông dòng vốn

Cơ quan quản lý, các ngân hàng, doanh nghiệp, các chuyên gia tiếp tục thể hiện nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp mới, hiệu quả để khơi thông dòng vốn đến doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Trong tuần qua, một cuộc hội thảo nữa về vấn đề này cũng được NHNN đứng ra tổ chức, trong đó, đưa ra những thực tại của nền kinh tế và khả năng hấp thụ vốn hiện nay của doanh nghiệp.

Giải pháp chỉ đưa ra tạm thời để tối ưu nguồn lực

"Ngoài ra, các giải pháp kích cầu có thể chỉ thực hiện tạm thời để vẫn kích thích được phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng không bị phân tán quá mức nguồn lực/dư địa của chính sách và tránh các ảnh hưởng phụ của chính sách nếu thực hiện quá kéo dài (gây lạm phát, biến động tỷ giá...)"

Ông Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, việc giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.

Một số chuyên gia cũng đã đưa ra quan điểm về các giải pháp gốc rễ trong việc hấp thụ vốn chậm, đó là do những khó khăn nội tại của doanh nghiệp và cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, từ đó mới phát sinh các nhu cầu vay để phát triển kinh doanh. Ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chúng ta có thể sử dụng các giải pháp kích thích tổng cầu. Các nguyên tắc cần quan tâm khi thực hiện các giải pháp kích cầu là phải kịp thời (hạn chế độ trễ của chính sách) và đúng đối tượng (hướng vào đối tượng có nhu cầu chi tiêu cao và hướng vào hàng hóa nội địa).

Tăng mối quan tâm về an toàn giao dịch

Hoạt động giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng đang tăng nhanh và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, thực tế cho thấy, mối quan tâm của các nhà quản lý và xã hội đang tập trung vào việc đảm bảo an toàn trong các giao dịch điện tử.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, quan điểm của NHNN là chuyển đổi thì phải đi đôi với an toàn, an ninh và bảo mật thông tin của người dân. Có như vậy mới giúp phát triển bền vững công tác chuyển đổi số, tạo niềm tin của người dân vào các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng số do ngân hàng cung cấp và do đó, NHNN cũng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trong giao dịch điện tử lĩnh vực ngân hàng.

Tiếp tục tìm cách “phá băng” tín dụng, giá vàng trồi sụt mạnh
Giá vàng thế giới vẫn đang chịu nhiều tác động đan xen. Ảnh: T.L

Giá vàng trồi sụt

Tuần qua ghi nhận một số phiên trồi sụt với biên độ mạnh của giá vàng. Trên thị trường thế giới, giá vàng sau một chu kỳ giảm điểm sâu xuống dưới mốc 1.890 USD/ounce đã có một số phiên phục hồi ấn tượng trong tuần qua. Có thời điểm, giá vàng đã tăng trở lại vượt qua mốc 1.920 USD/ounce, nhưng sau đó đã điều chỉnh giảm nhẹ vào hôm thứ sáu cuối tuần. Đến đầu giờ chiều ngày 25/8, giá vàng giao dịch ở mức khoảng 1.914 USD/ounce.

Trong nước, phiên giao dịch 24/8 ghi nhận sự thăng hoa của vàng miếng SJC với mức tăng tới 350 nghìn đồng/lượng so với hôm 23/8. Tuy nhiên, vàng miếng sau đó lại quay đầu giảm mạnh vào hôm sau, nhưng vẫn ở mặt bằng giá khá cao so với tuần trước. Giá vàng miếng SJC 9999 hôm 25/8 ghi nhận ở mức 67,25 triệu đồng mỗi lượng mua vào và 67,85 triệu đồng mỗi lượng bán ra, cao hơn khoảng 200 nghìn đồng mỗi lượng so với mặt bằng giá 1 tuần trước đó.

Có chương riêng cho hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử

Thông tư 06 đã bổ sung thêm 1 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này. Việc này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho tổ chức tín dụng trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.