nong

Các mặt hàng nông sản, đặc biệt thanh long, dưa hấu được hệ thống BigC thu mua hỗ trợ nông dân.

Thông quan tháo gỡ ách tắc

Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, nhất là mặt hàng trái cây như thanh long, dưa hấu đang vào chính vụ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona. Đây cũng là các mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản và là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm sau Tết Nguyên đán, nên rất cần có sự vào cuộc, chung tay tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, địa phương, DN để xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ nông sản với các DN, địa phương. Sau hội nghị, vị “tư lệnh” ngành Nông nghiệp đã điện đàm với Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn để giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu.

Theo đó, bắt đầu từ 14h chiều ngày 5/2/2020, số xe nông sản ùn ứ này đã bắt đầu được giải quyết thông quan (chỉ số xe đang ùn ứ). Những xe hàng đầu tiên được thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị là những loại nông sản ớt, mít, xoài và một số hàng hoá khác. Bên cạnh đó, 20 xe thanh long dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh cũng đã di chuyển sang phía cửa khẩu Hữu Nghị để chờ đến lượt thông quan.

Phía Trung Quốc cũng thông báo, trên cơ sở kết quả thông quan trong ngày 5/2, sẽ tiếp tục xem xét để tiếp nhận các xe hàng tiếp theo trong những ngày tới.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện tổng diện tích trồng dưa hấu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vụ Đông - Xuân 2019 - 2020 khoảng 11.700 ha, diện tích đã thu hoạch trên 7.000 ha; trong đó hơn 6.500 ha thu hoạch bán tết giá bán bình quân từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, diện tích đang thu hoạch hơn 600 ha, giá bán từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Hiện tại, các địa phương ở khu vực trên có khoảng hơn 3.000 ha dưa hấu đang ở giai đoạn sinh trưởng thân lá, diện tích này chủ yếu ở các tỉnh miền Nam sẽ cho thu hoạch trong tháng 3 và tháng 4.

Đối với mặt hàng thanh long, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn, đợt tiếp theo từ ngày 8 - 28/2 sẽ thu hoạch khoảng 54.000 tấn thanh long. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn…

Không chỉ thanh long, dưa hấu, một số mặt hàng nông sản khác cũng đã bắt đầu chịu sự tác động. Tại huyện Châu Đức, nơi có gần 350 ha mít Thái trong tổng số gần 550 ha của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang gặp khó khăn về đầu ra, nguyên nhân cũng do thương lái Trung Quốc ngừng mua hàng.

Thị trường nông sản nội địa vẫn có nhiều tiềm năng, dư địa

Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thị trường nông sản nội địa vẫn có nhiều tiềm năng và dư địa để tập trung khai thác thúc đẩy phát triển với dân số hơn 97 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước ngày càng tăng. Như vậy, trước bối cảnh này, đây cũng là cơ hội tạo áp lực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sâu hơn; đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại thị trường nội địa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao đổi với lãnh đạo một số tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bình Thuận... và được biết, một số nhà máy chế biến đang thu mua thanh long với giá phù hợp. Ví dụ, LaviFood thu mua với giá 12.000 đồng/kg để cắt nhỏ, đóng gói vận chuyển đường biển.

Để thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng này, các trung tâm siêu thị có nhiều chương trình hỗ trợ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Điển hình như chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long” được Big C và GO - một thành viên của Tập đoàn Central Retail, triển khai trên toàn bộ hệ thống 37 siêu thị toàn quốc, bắt đầu từ ngày 5/2 và sẽ kéo dài liên tục cho đến khi hàng hóa nông sản của bà con các tỉnh thành này dần đi vào ổn định. Tập đoàn

Central Retail áp dụng bán hàng không lợi nhuận đối với hai sản phẩm này nhằm kích cầu tiêu thụ. Big C dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trong khuôn khổ chương trình này.

Không chỉ DN, các địa phương có mặt hàng nông sản chủ lực XK sang Trung Quốc là thanh long, dưa hấu cũng đang ráo riết vào cuộc thúc đẩy tiêu thụ cho người nông dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh, tỉnh Long An đang tích cực kết nối các tỉnh, tìm nguồn tiêu thụ ổn định, cũng như xây dựng được chuỗi giá trị cho trái thanh long. Cùng với đó, các ngành chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động DN, nông dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mã vạch để truy xuất nguồn gốc... để đưa sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.

Về tiêu thụ trước mắt, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Công thương phải xây dựng phương án hỗ trợ, tiêu thụ thanh long của tỉnh, chậm nhất tới ngày 7/2 phải báo cáo cụ thể UBND tỉnh, đồng thời, có văn bản gửi đi các tập đoàn bán lẻ lớn ở trong nước và có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương kiến nghị các tập đoàn kinh tế lớn, đơn vị sản xuất, chế biến lớn có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát lại sản lượng thanh long đang lưu trong các kho lạnh của DN và sản lượng trái trên cây. Từ đó, đưa ra sản lượng cần tiêu thụ hàng ngày đến hết quý I/2020 để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hợp lý.

Trước tình hình giá mít rớt xuống thấp, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khuyến cáo người trồng mít cần giữ nguyên diện tích mít cần chăm sóc, chờ giá tăng trở lại, không nên thấy giá mít rớt xuống thấp mà đã vội bỏ bê vườn không chăm sóc, hoặc chặt bỏ để chuyển qua trồng loại cây khác.

Theo Bộ NN&PTNT, người tiêu dùng tại các thành phố lớn đang có xu hướng ưu tiên lựa chọn các loại trái cây, rau củ quả, gạo, thịt, trứng và thủy sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm với nhu cầu tăng cao. Điển hình, tại Hà Nội, trung bình mỗi năm nhu cầu khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900.000 tấn rau các loại… Tại TP. Hồ Chí Minh có trên 100 trung tâm thương mại, hơn 100 siêu thị, trên 730 cửa hàng tiện ích và chuỗi cửa hàng sạch; các chợ đầu mối… góp phần cho việc tiêu thụ nông sản, đặc sản của các tỉnh thành trên cả nước được thuận tiện và hiệu quả.

Nam Khánh