Thêm nhiều rào cản kể từ năm 2022

Chia sẻ về thực tế xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó, bà Bùi Hoàng Yến - Phó Tổ trưởng Tổ Công tác miền Nam, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương nhìn nhận, từ năm 2019 trở về trước Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 sau Mỹ đối với mặt hàng nông sản của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách zero covid và các quy định về nhập khẩu nông sản của Chính phủ Trung Quốc đã khiến việc xuất khẩu hàng nông, thủy sản và các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn.

Bà Bùi Hoàng Yến chia sẻ về giải pháp hỗ trợ nông, thủy sản xuất khẩu. Ảnh Đỗ Doãn
Bà Bùi Hoàng Yến chia sẻ giải pháp hỗ trợ nông, thủy sản xuất khẩu. Ảnh Đỗ Doãn

Đơn cử như Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo Lệnh 248, các DN có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc cần sớm đăng ký để các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, gửi danh sách sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Với Lệnh 249, DN phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại (tăng 16,7%); giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại (tăng 42%).

Doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ ràng rằng, những quy định của Trung Quốc về nhập khẩu nông, thủy sản là những quy định mang tính kinh tế mà bất cứ nước nào muốn bảo vệ người tiêu dùng của nước họ đều phải quy định. Chính vì vậy, cần có những giải pháp mang tính thích nghi với những quy định mới này.

Ðể tăng cường giám sát các sản phẩm nông sản nhập khẩu, tiêu chuẩn này cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc. Những yêu cầu này đang dần tiệm cận với những nước phát triển và duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống.

Riêng đối với các sản phẩm trồng trọt, Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch; đẩy mạnh quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói…

‘‘Để ứng phó, trước mắt, DN cần lựa chọn những đối tác bảo đảm, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng) được thuận lợi, bên cạnh việc tuân thủ các yếu tố như kho bãi, vận chuyển…’’ - bà Bùi Hoàng Yến khuyến nghị.

Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh minh họa
Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh minh họa

Những giải pháp ứng phó cần lưu ý

Các giải pháp rộng hơn, bà Bùi Hoàng Yến cho biết, ngoài nhiều biện pháp của các cơ quan ban ngành và các địa phương có biên giới với Trung Quốc đã áp dụng trong thời gian qua, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics;

Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất - nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Ngoài ra, để tính đến các phương án về lâu dài, việc tiếp tục thúc đẩy ký kết các nghị định thư về kiểm dịch thực vật giữa hai bên đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng là rất cần thiết để giảm thời gian thông quan.

‘‘Việc chuyển mạnh xuất khẩu sang chính ngạch, có các hợp đồng thương mại mua bán giữa hai bên cũng hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay để tránh các rủi ro khi phụ thuộc vào hình thức buôn bán mang tính trao đổi cư dân biên giới. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Công thương đã từng có các văn bản để khuyến cáo cho các DN…’’ – bà Bùi Hoàng Yến nói.

‘‘Về dài hạn, DN cần tập trung giải quyết 2 vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu…’’ – bà Bùi Hoàng Yến nêu một số giải pháp.

Thực tế cho thấy, việc tính toán cho tiêu thụ nội địa trong nước hoặc các thị trường khác vào cao điểm mùa thu hoạch nông sản, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán cũng là phương án cần được các doanh nghiệp nông sản tính đến để giảm tình trạng phụ thuộc vào một thị trường, dễ gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi thông quan nông sản gặp khó.