Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số bộ, ngành liên quan về việc điều hành chính sách tiền tệ.

Thủ tướng đánh giá, tình hình thực tiễn thời gian qua cho thấy định hướng từ đầu năm của Chính phủ về "chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả" là cơ bản phù hợp và được NHNN tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kết hợp hài hòa với các chính sách khác về tài khóa, thương mại, đầu tư, bất động sản… góp phần để cơ bản thực hiện được mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay đạt khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Các gói tín dụng khuyến khích cho các động lực tăng trưởng hay các vấn đề lớn của quốc gia thì cần mở rộng khi có hiệu quả. Mặt khác, tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các chương trình ưu đãi.

Tín dụng tăng tốc để đạt mục tiêu, giá vàng miếng SJC tiếp tục điều chỉnh giảm
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo NHNN và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ. Ảnh: Chính phủ.vn

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6%. Đến cuối tháng 7 vừa qua, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 5,66% so với cuối năm 2023.

Trước đó, theo thông báo của NHNN, tín dụng tính tới cuối tháng 5/2024 mới đạt 2,41%. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 6, tín dụng đã tăng 3,59%. Điều đó cho thấy, dù tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế tăng tốc trong tháng 6, nhưng sang tháng 7 tín dụng quay đầu giảm.

Hiện nay số tiền mà người dân gửi tại ngân hàng đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng. Theo tính toán, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra cho cả năm nay là khoảng 15%, trong 5 tháng cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng phải tăng trưởng đạt tốc độ bình quân khoảng 1,86%/tháng. Tương đương, mỗi tháng sẽ có hơn 250.000 tỷ đồng cần được đưa ra nền kinh tế. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với hệ thống ngành ngân hàng.

NHNN khẳng định, cơ quan này đã có nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, theo NHNN, lãi suất với các khoản vay và tiết kiệm tiếp tục giảm. Tính đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3% một năm, giảm 0,96% so cuối năm ngoái.

Giá vàng miếng SJC điều chỉnh giảm

Tuần qua ghi nhận sự điều chỉnh giảm giá bán vàng miếng của NHNN cho các ngân hàng thương mại và Công ty SJC. Cụ thể hôm 6/8, NHNN cho biết, căn cứ phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC đã được Thống đốc phê duyệt, giá bán vàng miếng trực tiếp ngày 6/8/2024 là 78 triệu đồng/lượng, sau đó ngày 8/8 NHNN tiếp tục điều chỉnh giá bán vàng miếng là 77,5 triệu đồng/lượng. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại và Công ty SJC bán vàng miếng SJC ra thị trường ở mức giá phổ biến là 78,5 triệu đồng/lượng.

Với hai lần điều chỉnh giá bán như trên, giá vàng miếng SJC đã giảm 1,3 triệu đồng mỗi lượng so với lần điều chỉnh giá gần nhất vào tuần trước.

Tín dụng tăng tốc để đạt mục tiêu, giá vàng miếng SJC tiếp tục điều chỉnh giảm
Giá vàng miếng SJC điều chỉnh giảm. Ảnh: T.L
Giá vàng quốc tế ít biến động

Trên thị trường quốc tế, giá vàng ít biến động chỉ tăng nhẹ sau khi tăng mạnh vào tuần trước đó. Đến thời điểm ngày 9/8, giá vàng thế giới ghi nhận mức 2.427,42 USD/ounce tăng nhẹ so với mốc 2.441,74 USD/ounce đầu tuần.

Tuần trước, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh giá vàng miếng SJC vào hôm 30/7 và 1/8. Cụ thể, trong ngày 30/7, giá bán vàng miếng trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước là 78 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng. Sau đó, trong ngày 1/8 giá bán vàng miếng trực tiếp của NHNN là 78,8 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng là các giải pháp trước mắt và NHNN tiếp tục cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu các chính sách hợp lý trong thời gian tới để quản lý thị trường.

Tỷ giá biến động mạnh vào cuối tuần

Tỷ giá trung tâm hôm đầu tuần ngày 5/8 ghi nhận ở mức 24.242 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, NHNN đã điều chỉnh giản nhẹ trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư trước khi tăng mạnh vào hôm thứ Năm và thứ Sáu cuối tuần. Chốt hôm cuối tuần, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ghi nhận ở mức 24.62 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với hôm đầu tuần.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra tại Vietcombank hôm thứ hai đầu tuần là 25.380 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước. Sau đó, Vietcombank tiếp tục giảm tỷ giá bán ra trong hôm thứ Ba, nhưng tăng liên tục trong hôm thứ Tư và thứ Năm và điều chỉnh giảm vào hôm thứ Sáu. Tại thời điểm cuối tuần, tỷ giá bán ra tại Vietcombank là 25.320 đồng/USD, giảm 60 đồng/USD so với hôm đầu tuần./.

Chỉ số DXY biến động trong biên độ hẹp

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ có xu hướng giảm vào những ngày giữa tuần, nhưng sau đó tăng vào cuối tuần. Tại thời điểm chiều ngày 9/8 theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY ghi nhận ở mức khoảng 103,18 điểm, giảm nhẹ so với mức điểm của chỉ số này trước đó 1 tuần.