Trong tháng 8/2021, Kho bạc Nhà nước tổ chức 15 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ

Trong tháng 8/2021, Kho bạc Nhà nước tổ chức 15 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ, với tổng giá trị gọi thầu đạt 38.750 tỷ đồng.

Tín hiệu tích cực từ các phiên đấu thầu

Trong tháng 8/2021, Kho bạc Nhà nước tổ chức 15 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ, với tổng giá trị gọi thầu đạt 38.750 tỷ đồng. Tổng giá trị đặt thầu là 111.858 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu đạt 29,702 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu đạt 76,7%. Trong đó, 2 kỳ hạn có khối lượng gọi thầu cao nhất là kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 15 năm (lần lượt là 9.000 và 17.000 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu lần lượt đạt 89,6% (kỳ hạn 10 năm) và 82,2% (kỳ hạn 15 năm). Lãi suất trúng thầu ở tất cả các kỳ hạn đều giảm so với tháng trước.

Những phiên đấu thầu gần đây, tỷ lệ trúng thầu đạt khá cao. Cụ thể phiên 8/9, Kho bạc Nhà nước tiến hành gọi thầu tổng cộng 9.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở các kỳ hạn 7 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (3.000 tỷ đồng), 15 năm (4.500 tỷ đồng) và 30 năm (1.000 tỷ đồng). Khối lượng trúng thầu đạt 8.780 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ trúng thầu lên tới 92%), trong đó các kỳ hạn 7 năm, 10 năm, 15 năm có tỷ lệ trúng thầu đều đạt 100%. Lãi suất trúng thầu giảm ở các kỳ hạn 7 năm và 10 năm, giữ nguyên ở các kỳ hạn 15 năm và 30 năm.

Phiên đấu thầu ngày 15/9, 100% trái phiếu kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm được bán hết. Kỳ hạn 10 năm có giá trị đặt thầu cao gần gấp 2 lần so với giá trị trái phiếu đưa ra gọi thầu, kỳ hạn 20 năm có giá trị đặt thầu cao gấp 3 lần giá trị gọi thầu.

Theo ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, công tác phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã được triển khai đồng bộ, qua đó hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc bất lợi.

Trong chỉ đạo điều hành và điều tiết tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì thanh khoản hợp lý đối với hệ thống tổ chức tín dụng...

Diễn biến lãi suất trái phiếu chính phủ hiện đang ở mặt bằng thấp, đơn cử trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm chỉ còn 0,82%, 10 năm tiếp tục giảm sâu xuống chỉ còn 2,06%, kỳ hạn 15 năm chỉ còn 2,29%, kỳ hạn 20 năm là 2,8% tại ngày 15/9. Trung bình lãi suất trái phiếu chính phủ 8 tháng đầu năm 2021 tại 2,31%.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, lãi suất giao dịch trái phiếu chính phủ đầu tháng 8 giảm 2 - 16 điểm so với trung bình tháng trước ở tất cả các kỳ hạn. So với mặt bằng lãi suất năm ngoái, lãi suất giao dịch các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm hiện tại thấp hơn từ 51 - 102 điểm. Lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam ở mức tương đối thấp trong khu vực. Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam và Mỹ từ đầu tháng 8/2021 tới nay có xu hướng thu hẹp từ 0,03% - 0,33% ở tất cả các kỳ hạn. Có những thời điểm, khoảng cách giữa lợi suất giao dịch trái phiếu chính phủ 5 năm của Việt Nam và Mỹ tiến về 0%.

Nền tảng phát triển các công cụ tiền tệ

Động thái thanh khoản cao cùng với lãi suất trái phiếu chính phủ liên tục giảm không những tạo điều kiện tốt cho Chính phủ huy động vốn giá rẻ phục vụ các nhu cầu chi tiêu công, mà còn đang trở thành nền tảng thuận lợi phục vụ cho các công cụ tiền tệ.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, động thái phát hành và giao dịch đều đặn của thị trường trái phiếu chính phủ thời gian qua đã tạo một công cụ tốt để làm cơ sở tham chiếu lãi suất cho các công cụ tài chính khác. Theo đó, các sản phẩm tài chính tùy theo mức độ rủi ro sẽ có cơ sở để “định giá” mức lãi suất phù hợp, tùy theo thang bậc rủi ro và tính chất đặc thù của từng sản phẩm. Ngoài ra, khi các nền tảng cơ bản đã phát triển tốt thì các công cụ phái sinh lãi suất cũng có thể hình thành tạo sự phát triển đồng bộ và phong phú trên thị trường tiền tệ.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2015/TT-NHNN ngày 6/1/2015 quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo kế hoạch sửa đổi thông tư mới, ban soạn thảo dự kiến bổ sung thêm một số định nghĩa: ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất, thời hạn thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất, thanh toán ròng…; bổ sung một số nguyên tắc mà các ngân hàng phải tuân thủ khi thực hiện kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất.

Đặc biệt, dự thảo thông tư mới cũng dự kiến bổ sung đối tượng được thực hiện sản phẩm phái sinh lãi suất bao gồm nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trái phiếu chính phủ phát hành bằng đồng Việt Nam tại thị trường trong nước. Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này nhằm mục đích tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong nước được thực hiện các giao dịch phái sinh lãi suất.

Kho bạc Nhà nước sẽ gọi thầu 9.000 tỷ đồng trong tuần tới

Trong tuần tới, Kho bạc Nhà nước sẽ tiến hành gọi thầu 9.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, thời gian tổ chức đấu thầu dự kiến diễn ra ngày 22/9/2021.

Trái phiếu đưa ra gọi thầu lần này sẽ gồm các kỳ hạn 7 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (2.500 tỷ đồng), 15 năm (3.000 tỷ đồng) và 30 năm (2.500 tỷ đồng).

Trong phiên đấu thầu gần đây nhất, khối lượng trúng thầu đạt 8.240 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng trái phiếu trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 616 tỷ đồng, 10 năm là 3.100 tỷ đồng, 15 năm là 3.024 tỷ đồng, 20 năm là 1.500 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 5, 7, 10, 15, 20 và 30 năm lần lượt là 19.848 tỷ đồng (đạt 99% kế hoạch năm), 5.231 tỷ đồng (đạt 35% kế hoạch năm), 101.904 tỷ đồng (đạt 85% kế hoạch năm), 72.925 tỷ đồng (đạt 54% kế hoạch năm), 9.580 tỷ đồng (đạt 32% kế hoạch năm), 17.238 tỷ đồng (đạt 57% kế hoạch năm).

Chí Tín