gao

Hoạt động cấp phát gạo từ nguồn DTQG cho các học sinh nghèo vùng khó khăn.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) luôn coi việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về DTQG vừa là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm, vừa là nhiệm vụ thường xuyên của mình.

Lập chương trình, kế hoạch xây dựng chính sách

Để kiện toàn chính sách pháp luật về DTQG, Tổng cục DTNN đã lên kế hoạch xây dựng hàng năm và cho cả giai đoạn trung hạn 5 năm (2016 - 2020). Để triển khai, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật DTQG và cơ chế chính sách quản lý nội ngành giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch đã đề ra 27 nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật DTQG và 28 nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nội ngành giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời quy định rõ tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các vụ, đơn vị liên quan.

Rà soát, đánh giá 5 năm thực hiện Luật DTQG


Luật DTQG đến năm 2018 tròn 5 năm tổ chức thực hiện, do đó Tổng cục DTNN đã tập trung rà soát, đánh giá một cách kỹ càng và có hệ thống. Hiện nay, báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Luật DTQG đang được hoàn thiện để trình Bộ Tài chính trong tháng 4/2019. Báo cáo tập trung tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện quy định hiện hành của hệ thống pháp luật DTQG, những ưu điểm, kết quả đạt được trong việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi quy định pháp luật DTQG; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật DTQG và thực tế triển khai thực hiện; đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp trong hệ thống pháp luật DTQG và tăng cường công tác quản lý nhà nước về DTQG trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để lập chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch hàng năm.

Theo kế hoạch đã đề ra, năm 2018 Tổng cục DTNN đã đề xuất đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính 6 đề án thông tư do Tổng cục DTNN chủ trì soạn thảo. Năm 2019, Tổng cục DTNN đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật 4 đề án, trong đó có 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 thông tư của Bộ Tài chính. Ngoài ra còn có các đề án xây dựng văn bản nội ngành của Tổng cục DTNN năm 2019 với 19 đề án, trong đó 5 đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính, 14 đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN.

Ngay sau khi các chương trình, kế hoạch xây dựng chính sách, pháp luật được ban hành, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết theo tháng; phân công trách nhiệm đến chuyên viên soạn thảo và lãnh đạo cấp vụ; tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm điểm đánh giá tiến độ hàng tháng; có biện pháp chỉ đạo kịp thời để bảo đảm tiến độ và chất lượng soạn thảo.

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục DTNN, kiểm soát chặt chẽ về mặt tiến độ, nên trong năm 2018, Tổng cục DTNN đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành 6 đề án pháp luật (đạt 100% số lượng đề án đăng ký). Đến hết quý I/2019, Tổng cục DTNN đã xây dựng, ban hành 9 đề án chính sách quản lý nội ngành DTNN. Đây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị tham mưu của Tổng cục DTNN trong việc lập kế hoạch, xây dựng nội dung và giám sát tiến độ thực hiện.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chính sách, pháp luật về DTQG

Từ nay đến hết năm 2019, Tổng cục DTNN tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 4 đề án quan trọng đã được Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch gồm: quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030; thông tư của Bộ Tài chính ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo DTQG; thông tư của Bộ Tài chính ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị khoan cắt DTQG.

Một trong những hạn chế chủ yếu của hệ thống pháp luật DTQG hiện nay là hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG do các bộ, ngành quản lý còn thiếu, tiến độ xây dựng rất chậm. Do đó, Tổng cục DTNN sẽ tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG để xây dựng, hoàn thiện trình Bộ Tài chính ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG để quản lý, theo đúng quy định của Luật DTQG trong năm 2019 và những năm tới.

Bên cạnh các đề án pháp luật, năm 2019 cũng là năm tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình quản lý trong nội ngành DTNN cho phù hợp với các quy định pháp luật liên quan và yêu cầu thực tiễn. Chương trình xây dựng văn bản đề án cơ chế, chính sách nội ngành năm 2019 đề ra 19 đề án, trọng tâm là các tiêu chuẩn, định mức về kho, máy móc, thiết bị, kinh phí…; các quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN; quy chế làm việc của Tổng cục DTNN; quy trình luân chuyển, xử lý văn bản; quy chế hoạt động công nghệ thông tin, quy chế sử dụng thư điện tử…

Như vậy, khối lượng công việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật DTQG năm 2019 và những năm tới là khá lớn. Để thực hiện thành công chương trình, kế hoạch xây dựng chính sách, pháp luật năm 2019 và những năm tiếp theo, Tổng cục DTNN tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên; tập trung các nguồn lực, chỉ đạo sát sao để nâng cao chất lượng và bảo đảm tiến độ đề ra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 19/3/2019 về chuyên đề xây dựng pháp luật. Kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật DTQG sẽ thúc đẩy tích cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động DTQG thời gian tới.

TS. Nguyễn Văn Bình (Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Dự trữ Nhà nước)