sieu thi

TP. Hồ Chí Minh vẫn còn dư địa hơn 120.000 tỷ đồng, mà các ngân hàng thương mại có thể bơm ra thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịp cuối năm. Ảnh N.H

Cụ thể theo ông Nguyễn Hoàng Minh, năm 2020, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đặt ra là 14%. 11 tháng qua, tăng trưởng tín dụng mới đạt trên 8%, như vậy dư địa cho vay còn khoảng 6%, tương đương khoảng hơn 120.000 tỷ đồng các ngân hàng thương mại có thể bơm ra thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịp cuối năm.

“Do vậy sẽ không thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho tất cả các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp” - ông Minh khẳng định.

Ngay từ cuối tháng 10 đầu tháng 11/2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai tới các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các chính sách cho doanh nghiệp vay vốn. Theo đó, các ngân hàng thương mại không được từ chối các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đủ điều kiện vay.

Hiện nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao với số vốn dành cho các lĩnh vực này chiếm khoảng 80% nguồn vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng của thành phố cũng dành cho các chương trình kinh tế trọng điểm như: chương trình bình ổn thị trường, chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, nông nghiệp sạch, công nghệ cao…

Liên quan đến kết quả triển khai Thông tư 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, tính đến đến cuối tháng 11, đã có gần 800 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 254.600 doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giảm lãi, chiếm gần 1/3 tổng dư nợ của TP. Hồ Chí Minh./.

Huế Nguyễn