Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới này, TP. Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu cụ thể gồm: Tối thiểu 70% các mô hình triển khai trong kế hoạch được tiếp tục thực hiện và nhân rộng; tối thiểu 80% các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong kế hoạch có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư.

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của một hợp tác xã ở huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của một hợp tác xã ở huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Kế hoạch cũng nêu ra 4 nhóm giải pháp để thực hiện. Nhóm giải pháp thứ nhất là nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh sẽ rà soát các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, chú trọng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn các huyện ngoại thành thành phố; kịp thời tham mưu điều chỉnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

Nhóm giải pháp thứ hai là nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững. Cụ thể là giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển hạ tầng nông thôn bền vững, xây dựng vùng nông thôn đáp ứng an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Song song với đó, nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; chú trọng đến thu gom và xử lý rác thải rắn, chất thải nhựa, nước thải sinh hoạt và làng nghề; nghiên cứu giải pháp phát triển hạ tầng thương mại, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giải pháp tăng cường áp dụng các chứng nhận chất lượng trong sản xuất và thương mại nông sản.

Nhóm giải pháp thứ ba là xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế, xã hội. Đó là chuyển giao kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật mới đến các tổ chức, đơn vị để xây dựng mô hình, nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với bảo tồn làng nghề và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tài nguyên bản địa…

Tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về xây dựng nông thôn mới

Để Kế hoạch triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 đạt hiệu quả cao, TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là triển khai thực hiện công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; da dạng hóa các hình thức tuyên truyền kiến thức khoa học, kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới…