Đồ họa: Hồng Vân

Đồ họa: Hồng Vân

Những ngày qua, triệu người dân Việt có chung niềm tin và hy vọng, đây sẽ là “trận đánh” lớn có yếu tố quyết định, sớm lấy lại cuộc sống bình thường mới cho người dân.

Góp gió thành bão

Có thể nói chưa bao giờ người dân TP. Hồ Chí Minh cùng cả nước phải chứng kiến những cuộc “hành quân thần tốc” của tổng hợp các lực lượng vũ trang, của khối y tế tuyến đầu, của các bộ, ngành, địa phương… kèm theo hàng ngàn phương tiện, hàng vạn tấn hàng hóa đến hỗ trợ chống dịch cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với tinh thần, “thần tốc, thần tốc” hơn nữa, “quyết tâm, quyết tâm” hơn nữa, tất cả đều đã có mặt tại tâm dịch trước ngày 23/8/2021, ngày mà Chính phủ và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh chọn để đo mốc thời gian quyết tâm dập dịch.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh trước đó đã nỗ lực quyết tâm, bằng mọi khả năng, huy động tối đa nguồn lực để lo cho dân, ngăn chặn dịch bệnh trong điều kiện có thể. Nhưng mọi chuyện đã vượt quá khả năng nếu không có sự chung tay của cả nước, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Tiếp đó, ngày 22/8/2021, chính quyền thành phố sau hàng loạt các văn bản chỉ đạo, điều hành đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 11 với 8 nội dung về tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, điều quan trọng số 1 lúc này là xét nghiệm tổng lực để khoanh vùng, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng đi đôi với việc tiêm vắc-xin đại trà. Hiện công tác này đang được TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam tiếp tục triển khai thần tốc trên tinh thần có vắc-xin đến đâu tổ chức tiêm đến đó, tuyệt đối không để tồn, không để chậm trễ, không để sai đối tượng.

Trước mắt, 14 nghìn tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ sẽ được triển khai cấp phát cho 1 triệu người khó khăn nhất, mỗi người sẽ được nhận 15kg/tháng. Trước đó đã có gần 1 triệu “túi an sinh”, “túi y tế” đã được thành phố triển khai hỗ trợ người dân tại các khu cách ly phong tỏa, khu nhà trọ đặc biệt khó khăn. Hàng vạn người lao động mất việc làm, không đủ tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt đã được hỗ trợ 1,5 triệu đồng và nhu yếu phẩm.

Trước ngày 23/8, thành phố đã thành lập khoảng 400 trạm y tế lưu động tại khắp các quận, huyện để quản lý, điều trị F0 tại nhà. Gần 10 nghìn tấn hàng hóa lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu mỗi ngày cho khoảng 9,4 triệu dân được chủ động tăng cường ở mức tối đa. Ngày 23/8, ngày đầu tiên tăng cường cấp độ giãn cách xã hội, hàng trăm chốt kiểm soát liên ngành, hàng ngàn tổ kiểm soát lưu động được thành lập thêm phục vụ công tác chống dịch. Trên tuyến đầu ngoài nhân lực y, bác sĩ, nhân viên y tế hiện có trong các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị, gần 1 nghìn bác sĩ tương lai của Học viện Quân y cũng đã có mặt bổ sung, ưu tiên điều trị bệnh nhân tuyến trên...

Dập dịch từ trong lòng dân

Cũng trong ngày 23/8, hai Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành cùng có mặt tại TP. Hồ Chí Minh sát cánh cùng với chính quyền thành phố và các bộ, ngành kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch. Ngay lập tức nhiều vấn đề bất cập nảy sinh được chỉ đạo tăng cường, xử lý ngay. Trường hợp những người vô gia cư, hoàn cảnh cơ nhỡ không được phép đi lang thang ngoài đường đã được đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội, ai không có nhiệm vụ không được phép ra đường, 312 phường, xã, hàng nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố trong toàn thành phố đã và đang trở thành những “pháo đài” vững chắc. Các “pháo đài” đang thực sự phát huy hiệu quả với sự tham gia tích cực của nhiều ngành chức năng, lực lượng vũ trang, các đoàn thể quần chúng….

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, điều quan trọng số 1 lúc này là xét nghiệm tổng lực để khoanh vùng, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng đi đôi với việc tiêm vắc-xin đại trà. Hiện công tác này đang được TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam tiếp tục triển khai thần tốc trên tinh thần có vắc-xin đến đâu tổ chức tiêm đến đó, tuyệt đối không để tồn, không để chậm trễ, không để sai đối tượng. Đặc biệt, tại 8 quận, huyện, thành phố thuộc “vùng đỏ” dịch Covid -19 đã xuất hiện nhiều đơn vị bộ đội phối hợp với các hội, đoàn thể về tận những đường hẻm, tổ dân phố, nhóm dân cư giúp dân đi chợ mua lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu đến giao tận nhà hỗ trợ người dân chống dịch.

Ghi nhận từ sáng sớm ngày 23/8 đến cuối buổi chiều ngày 24/8, trên khắp các nẻo đường, ngõ hẻm, tỷ lệ người ra đường trên địa bàn đã giảm trên 80% so với những ngày trước đó. Tiếng loa phường vẫn vang vọng từng giờ tại các tổ dân phố, khu dân cư, kêu gọi, hỗ trợ, thông báo số điện thoại cần thiết để người dân liên hệ với chính quyền, kèm theo đó là những thông điệp “ai ở đâu ở yên đấy”. Người dân đang lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận thêm khó khăn, hầu hết họ đã tuyệt đối chấp hành, không ra khỏi nhà để cùng nhau chống dịch.

Hơn lúc nào hết, người dân TP. Hồ Chí Minh đã thấu hiểu, đã yên tâm hơn, cùng cả nước vững tin, dõi theo vào kết quả “trận đánh” tổng lực, quyết định chống dịch, với hy vọng đây sẽ là “trận đánh” cuối cùng diệt dịch Covid -19.

* 14.000 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ được phát tới người dân trước ngày 5/9

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, trên cơ sở lượng gạo được Thủ tướng Chính phủ cấp đợt 1 là 14.000 tấn thành phố sẽ phát cho người dân trước ngày 5/9.

Trong 14.000 tấn gạo này, quận Bình Tân nhận 1.476 tấn, huyện Hóc Môn gần 1.339 tấn, quận 12 gần 1.336 tấn, quận 7 là 1.217 tấn, quận Bình Thạnh hơn 1.193 tấn, TP. Thủ Đức là 1.077 tấn, quận Gò Vấp gần 1.006 tấn. Các quận, huyện khác nhận từ 85 - 994 tấn.

Trước mắt, trong đợt 1 này 1 triệu người khó khăn nhất sẽ được nhận mỗi người được nhận 15kg/tháng. Sau đó, khi lượng gạo về đủ thì TP. Hồ Chí Minh cấp tiếp cho số hộ khó khăn còn lại trong những ngày tới.

Cũng theo ông Tấn, qua thống kê tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức ghi nhận hơn 2,5 triệu người dân thành phố đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo dự kiến, mỗi người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và 10 kg gạo. Việc hỗ trợ người dân sẽ không đưa ra điều kiện, không phân biệt hộ khẩu.

Về hỗ trợ người lao động theo các gói hỗ trợ lần 1, lần 2 của thành phố và gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố tiếp tục cập nhật các trường hợp cần hỗ trợ, những trường hợp còn sót sẽ được nhận hỗ trợ bổ sung.

UBND thành phố cũng yêu cầu UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức cập nhật số lượng phát sinh của đợt 1 vào danh sách chi hỗ trợ của đợt 2, tập trung hoàn tất chi hỗ trợ theo quy định.

Cũng theo ông Tấn, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong thời gian giãn cách, thành phố đề nghị người dân cứ ở nhà. Tiền hỗ trợ sẽ được cán bộ địa phương mang đến nhà trao tận tay người dân.

* Người dân TP. Hồ Chí Minh được “đi chợ hộ”

UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch khẩn về đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP. Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ.

Theo kế hoạch này, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố...), các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phối hợp với Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổ chức cấp phát các túi an sinh miễn phí cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.

Ngoài việc tăng cường nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, thành phố cũng ưu tiên các giải pháp bán hàng trực tuyến, bán hàng đăng ký trước và bán hàng theo giỏ (combo), có phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ, kịp thời và không xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn nguồn cung hàng hóa.

Gia Cư