Để làm rõ hơn về diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Vương Hoàng Sơn - Trưởng phòng Kinh doanh trái phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT).

* PV: Theo số liệu từ HNX, tổng giá trị phát hành TPDN trong năm 2020 lên tới hơn 403 nghìn tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về thị trường này trong năm 2020?

Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN riêng lẻ sẽ ảnh hưởng khá lớn tới quy trình phát hành TPDN riêng lẻ. Chúng tôi kỳ vọng, Nghị định 153 sẽ góp phần tăng tính ổn định; minh bạch cho thị trường TPDN, khi tổ chức phát hành và nhà đầu tư đều được “nâng chất”.
Vương Hoàng Sơn
Ông Vương Hoàng Sơn

- Ông Vương Hoàng Sơn: Thị trường TPDN năm 2020 tiếp tục tăng trưởng về quy mô nhờ nhu cầu của các nhà đầu tư gia tăng mạnh mẽ, cũng như các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận kênh huy động vốn này. Môi trường lãi suất thấp là một chất xúc tác không nhỏ khiến cho cả nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân tìm đến các sản phẩm rủi ro hơn ngoài tiền gửi tiết kiệm.

Tuy vậy, thị trường cũng chia thành hai giai đoạn với hai thái cực đối lập khá rõ nét tương ứng với thời điểm trước và sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Khoảng trên 80% khối lượng trái phiếu được phát hành hoặc tổ chức đợt phát hành trước thời điểm hiệu lực của nghị định này để tránh các quy định chặt chẽ hơn như về giới hạn tỷ lệ phát hành trái phiếu trên vốn chủ sở hữu hoặc thời gian tối thiểu giữa các đợt phát hành.

Quy định mới một mặt làm giảm độ “nóng” của thị trường trong những tháng cuối năm, nhưng mặt khác đã giúp thanh lọc đáng kể những tổ chức phát hành có độ rủi ro cao ra khỏi thị trường.

* PV: Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về mức tăng trưởng rất nhanh của thị trường này. Quan điểm của ông thì thế nào? Vì sao?

- Ông Vương Hoàng Sơn: Trước hết, sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô của thị trường trái phiếu là điểm tích cực trong bức tranh chung của thị trường vốn trước đây khi quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Không giống như thị trường cổ phiếu, trái phiếu là cánh cửa huy động vốn rộng mở, hiệu quả hơn nhiều cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu về nguồn vốn dài hạn, đồng thời với đặc điểm trả lãi định kỳ, trái phiếu cũng là lựa chọn an toàn hơn đối với nhà đầu tư. Do đó, phát triển thị trường trái phiếu là việc tất yếu và cần làm để xây dựng thị trường tài chính hoàn chỉnh, lành mạnh.

Tuy vậy, độ nóng của thị trường trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề cho cả phía cơ quan quản lý, nhà đầu tư cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu trên thị trường. Đầu tiên để nâng cao tính minh bạch của thị trường đòi hỏi phải có cơ chế quản lý, giám sát của cơ quan quản lý và các chế tài phù hợp. Thứ hai là trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của các tổ chức tư vấn, phân phối cần được cải thiện hơn và dần áp dụng các thông lệ tốt trên thị trường quốc tế. Cuối cùng, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, cần tìm hiểu và tự ý thức được rủi ro của sản phẩm này để lựa chọn phương pháp đầu tư phù hợp.

* PV: Mặc dù Bộ Tài chính đã nhiều lần phát đi thông tin cảnh báo, tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu khi thị trường này có sự tham gia của không ít nhà đầu tư cá nhân, trong bối cảnh thông tin về doanh nghiệp phát hành chưa thực sự minh bạch. Theo ông, nhà đầu tư cá nhân nên đặc biệt cảnh giác những vấn đề gì?

- Ông Vương Hoàng Sơn: Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tìm kiếm lựa chọn đầu tư thay thế cho loại hình gửi tiết kiệm ngân hàng do lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm thấp trong năm qua. Trong đó, TPDN là một kênh đầu tư được ưa chuộng do các bên thường phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân dưới dạng sản phẩm tương tự như tiền gửi tiết kiệm, nhưng với lãi suất hấp dẫn hơn. Nhà đầu tư cá nhân dễ dàng chuyển hướng sang loại hình đầu tư này vì cái họ nhìn thấy là cách thức đầu tư quen thuộc (gửi tiền, nhận lãi) cùng lãi suất cao.

Điều này đặc biệt nguy hiểm khi lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao - nhà đầu tư cá nhân cần phải nhận biết được những rủi ro mình đang gánh chịu là gì khi tham gia vào thị trường TPDN. Rủi ro lớn nhất là khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu của tổ chức phát hành.

Trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư nên tìm hiểu về vị thế của tổ chức phát hành trong ngành kinh doanh chính, báo cáo tài chính, cũng như các tỉ lệ tài chính thể hiện được khả năng thanh toán của tổ chức phát hành. Nhà đầu tư cũng nên dành sự quan tâm và đánh giá về tài sản bảo đảm trước khi quyết định đầu tư.

Một loại rủi ro khác cần nhắc đến là rủi ro thanh khoản – phản ánh khả năng có thể chuyển đổi trái phiếu thành tiền khi có nhu cầu đột xuất trước khi trái phiếu đáo hạn. Rủi ro này sẽ được giảm thiểu nếu trái phiếu có cam kết mua lại hoặc được các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán đứng ra tạo lập thị trường mua bán thứ cấp.

Sau khi định vị được các rủi ro hiện hữu rồi nhà đầu tư cần tính xem lợi suất của khoản đầu tư này đã tương xứng với những rủi ro mình phải chịu hay trước khi cân nhắc việc có tham gia đầu tư hay không.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái