Giải pháp cho nhiều vấn đề mấu chốt

Chiều 26/8, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP (Nghị định 35) quản lý khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT)”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thông tin cách đây hơn 30 năm, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ mở của và hội nhập với kinh tế thế giới. Tại thời điểm đó việc hình thành và phát triển các KCN, KKT là tiền đề và động lực để thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra bước đột phá, cải thiện nền kinh tế đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP: Cơ hội cho các khu công nghiệp phát triển bền vững
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TN

Chỉ trong vòng hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, đã có hàng trăm khu công nghiệp đi vào hoạt động, hệ thống KCN, KKT của Việt Nam là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Có thể khẳng định, việc hình thành và phát triển KCN, KKT là hướng đi chiến lược, quan trọng của Việt Nam trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp trong KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” – ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

"Qua gần 5 năm triển khai Nghị định 82/2018/NĐ-CP, do tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế đất nước, do tiến trình hội nhập sâu rộng của kinh tế toàn cầu dẫn đến một số quy định về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của các KCN, KKT bắt đầu xuất hiện những hạn chế, bất cập. Trong bối cảnh đó, ngày 28/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 35 quy định về quản lý KCN và KKT giúp khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82 đang mắc phải" - ông Hoàng Quang Phòng.

Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, Nghị định 35 quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh KCN, KKT nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch KCN, KKT trong quy hoạch vùng, tỉnh.

Các doanh nghiệp hiểu rõ các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện quy hoạch KCN, KKT và dễ dàng tiếp cận hệ thống quy hoạch KCN, KKT của các địa phương.

Có thể thấy, Nghị định 35 đã có giải pháp cho nhiều vấn đề mấu chốt, mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng và có một số chủ trương tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và đầu tư. Đồng thời, Nghị định 35 đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp và cơ sở, tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Cụ thể, ban quản lý các KCN, KKT được giao nhiệm vụ, được ủy quyền cụ thể trên từng loại hình, công việc gần như “một cửa” nhưng cụ thể hơn trước đây.

Một điểm mới đột phá của Nghị định 35 là công nhân, người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại KCN.

Cần đặt ra các quy định cụ thể hơn với nhà đầu tư hạ tầng

Dù được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà. Tuy nhiên, việc thực hiện, triển khai Nghị định 35 vẫn có nhiều điểm cần được giải đáp, tháo gỡ. Một số điểm chưa thực sự phù hợp thực tế khách quan, dễ dẫn tới tình trạng thực hiện tùy tiện, gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án.

Triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP: Cơ hội cho các khu công nghiệp phát triển bền vững
Toàn cảnh diễn đàn “Triển khai Nghị định 35 quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế". Ảnh: TN

Theo Luật sư Trần Đại Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam, đối chiếu với các quy định thực tế thì vẫn còn có những vấn đề trở ngại cho việc áp dụng các quy định này ra ngoài thực tế. Vì vậy cần làm rõ những trở ngại này và có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trong các hệ thống pháp luật có liên quan, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các KCN.

"Sự phát triển của loại hình các KCN chuyên sâu phù hợp với định hướng phát triển hệ thống khu công nghiệp đã được quy định tại Điều 4 của Nghị định 35, cũng là cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển của theo quy hoạch tỉnh. Đối với từng mô hình thì sẽ có những quy định cụ thể để triển khai, tuy nhiên theo những quy định Nghị định 35 hiện nay thì để triển khai thành công chính sách ra thực tiễn cũng đang cần những hoàn thiện nhất định trong hệ thống pháp luật cũng như sự sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương liên quan" - Luật sư Trần Đại Nghĩa.

Cụ thể, để được hưởng các chính sách ưu đãi, thì nhà đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao phải cam kết cụ thể các nội dung liên quan đến: ngành, nghề thu hút đầu tư; tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề thu hút đầu tư trong hồ sơ dự án đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, Nghị định 35 lại chưa quy định cụ thể thủ tục, trình tự thẩm định các nội dung liên quan tới vấn đề này, quy định như hiện tại mới chỉ dừng lại ở pháp luật về nội dung chứ chưa quy định về hình thức.

Ngoài ra, việc quản lý việc thu hút đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng KCN, nếu họ cho các đối tượng khác không phải đối tượng được ưu đãi thuê đất vượt quá cam kết đã quy định thì chế tài xử lý sẽ ra sao cũng chưa thực sự rõ ràng. “Để khắc phục tình trạng này có thể đặt ra các quy định cụ thể hơn ở mức Nghị định để tăng cường sự quản lý, tránh việc đề xuất dự án để nhận ưu đãi nhưng lại không thực hiện các cam kết trong đề xuất dự án đầu tư” - Luật sư Trần Đại Nghĩa kiến nghị./.