Vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát chặt, tránh thất thoát ngân sách

Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Triển khai nhiều giải pháp căn cơ hoàn thuế giá trị gia tăng
Xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh, kịp thời hoàn thuế cho doanh nghiệp. Ảnh: TL

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời, thường xuyên chỉ đạo Tổng cục Thuế quyết liệt trong việc đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế GTGT, vừa phải đảm bảo kịp thời, đúng quy định, hỗ trợ doanh nghiệp quay vòng vốn, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh nhưng vừa phải kiểm soát chặt chẽ phòng, chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát NSNN.

Năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế.

Đồng thời, ngành Thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngành Thuế thực hiện triển khai Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu,... nhằm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.

Đã hoàn thuế hơn 128 nghìn tỷ đồng

Lũy kế 11 tháng năm 2023, ngành Thuế đã ban hành 16.851 quyết định hoàn thuế GTGT tương ứng số thuế đã hoàn 128.488 tỷ đồng, bằng 93,9% cùng kỳ năm 2022.

Cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN, nhất là đối với các ngành hàng, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam... đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh.

Đồng thời, lực lượng hải quan phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; quyết liệt xử lý thu nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng.

Kết quả hoàn thuế GTGT đã có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân 5 tháng đầu năm, cơ quan thuế giải quyết hoàn với 1.435 quyết định hoàn thuế/tháng, tương ứng số tiền thuế GTGT hoàn là 9.506 tỷ đồng/tháng. Bình quân 6 tháng từ tháng 6 đến tháng 11, cơ quan thuế giải quyết hoàn là 1.613 quyết định hoàn thuế/tháng, tương ứng số tiền thuế GTGT hoàn là 13.493 tỷ đồng/tháng, tăng 12% về số quyết định và 42% về số tiền so với bình quân 5 tháng đầu năm.

Lũy kế 11 tháng năm 2023, ngành Thuế đã ban hành 16.851 quyết định hoàn thuế GTGT, tương ứng số thuế đã hoàn 128.488 tỷ đồng, bằng 93,9% cùng kỳ năm 2022.

Gian lận hoàn thuế ngày càng tinh vi, phức tạp

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác hoàn thuế GTGT hiện nay là phải đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ: vừa giải quyết hoàn thuế GTGT kịp thời, đúng quy định pháp luật; vừa phải đồng thời kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát NSNN. Đặc biệt, trong bối cảnh các hành vi vi phạm, gian lận trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, hoàn thuế GTGT ngày càng tinh vi, phức tạp.

Triển khai nhiều giải pháp căn cơ hoàn thuế giá trị gia tăng
Hoàn thuế giúp doanh nghiệp có vốn quay vòng sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp lợi dụng kẽ hở hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước, và cũng không ít cán bộ thuế đã phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị khi hoàn thuế không đúng cho doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng, để giải quyết căn cơ các khó khăn trong công tác hoàn thuế GTGT, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về hóa đơn điện tử, pháp luật chuyên ngành có liên quan như Luật Doanh nghiệp để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử để gian lận hoàn thuế, trục lợi NSNN. Các cơ chế, chính sách quản lý thuế cũng cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, của cán bộ thuế với người nộp thuế trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT” - người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.

Về phía doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật các chính sách pháp luật, nâng cao trình độ của bộ máy kế toán để nâng cao tính tuân thủ, nhận thức của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử.

Không sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào, phải đảm bảo nguồn gốc hàng hóa tin cậy, tránh tình trạng khi cơ quan thuế kiểm tra, xác minh các điều kiện hoàn thuế thì phát hiện các vấn đề rủi ro như doanh nghiệp cung cấp hàng hóa không kê khai, nộp thuế hoặc bỏ trốn để không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần phối hợp với cơ quan thuế trong việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ hoàn thuế GTGT đảm bảo kịp thời, đúng quy định khi các hồ sơ, thủ tục đã được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo quy định trước khi gửi hồ sơ đến cơ quan thuế./.

Phải ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp "ma"

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, để giải quyết căn cơ các khó khăn trong công tác hoàn thuế GTGT, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về hóa đơn điện tử, pháp luật chuyên ngành có liên quan như Luật Doanh nghiệp...

Mục tiêu hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử để gian lận hoàn thuế, trục lợi NSNN. Các cơ chế, chính sách quản lý thuế cũng cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, của cán bộ thuế với người nộp thuế trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.