truong bon

Tượng đài Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An).

Khu di tích Truông Bồn được xây dựng, bảo tồn tôn tạo trên diện tích 217.327m2, gồm 21 hạng mục công trình. Khu mộ, nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) 110m2, nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng liệt sĩ 290m2, tháp chuông, nhà trưng bày truyền thống 942m2, sân lễ hội (khu vực quảng trường) 11.300m2, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ 5.500m2, bức phù điêu ghi danh các anh hùng liệt sĩ, hai nhóm tượng, khu nhà công vụ, thuyết minh...

“Khu di tích lịch sử Truông Bồn – một biểu tượng đẹp nhất cho Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng sáng ngời. Tri ân các anh hùng liệt sỹ Truông Bồn, chúng ta phải thực hiện thật tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các anh, các chị và gia đình; phải dành nhiều sự quan tâm chân thành nhất, chăm lo cuộc sống và thực hiện tốt nhất chính sách đối với gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ… “

truong bon

Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

… Chiến tranh đã lùi xa, màu xanh đã hồi sinh trên mảnh đất đầy máu lửa năm nào. Tôi bồi hồi nhớ lại cách đây 45 năm, những người lính công binh chúng tôi và TNXP đã oằn lưng cùng cung đường máu lửa này đi qua cuộc chiến cứu nước vĩ đại, xây nên tượng đài chiến thắng hôm nay. Đó là vào tháng 6/1968, khi địch tập trung đánh phá ác liệt vào Khu IV – Đoàn công binh 27 quân khu (nay là đoàn Hải Vân) được lệnh chi viện cho tam giác lửa: Truông Bồn – Linh Cảm – Bến Thủy. Nhiệm vụ phòng công binh quân khu giao cho chúng tôi là nghiên cứu về loại bom địch đã thả xuống Truông Bồn, cách khống chế, phá nổ, rồi chuyển giao huấn luyện cho TNXP đảm nhiệm.

Sau gần 1 tháng lăn lộn ngày đêm theo dõi, rà phá, công binh đã kết luận có nhiều loại bom, tác dụng quy luật hoạt động của từng loại: Ngoài bom bi, bom sát thương thì bom khoan là loại hơi phức tạp, có thêm bộ chờ nổ từ từ 10 đến 30 giây khi chạm đất để bom xoáy như mũi khoan sâu khoảng 5 – 15m mới nổ, nổ om trong lòng đất. Hiện đại hơn nữa là bom từ trường, khi có vật có từ trường nó kích thích nổ, nhưng cũng có loại từ trường hoạt động trong cơ chế chờ nổ như bom nổ chậm. Chúng tôi đã huấn luyện được 3 tiểu đội chủ lực kỹ thuật TNXP, gồm những đồng chí gan dạ, thông minh nhanh nhẹn. Còn lại hơn 1.000 người tham gia san lấp hố bom, tăng bo hàng qua trọng điểm. Mỗi ngày ở đây có từ 10 đến 15 lần oanh tạc của máy bay giặc với 1 tốp 3 chiếc, mỗi chiếc thả3 - 6 quả bom các loại. Và hàng nghìn con người ngày đêm lăn lộn dưới mưa bom, bão đạn, mong mỏi khát khao đến một ngày không còn tiếng bom rơi…

Truong Bon

Quần thể Khu tưởng niệm Truông Bồn

Sau này, tôi được biết, số liệu tổng kết cho thấy rằng, có hơn 20 ngàn quả bom giặc đã thả xuống Truông Bồn. Bom đạn tàn phá 200 làng mạc, dọc tuyến cây xanh bị bom đốn hạ không còn chỗ cho xe trú ẩn. Hàng trăm ô tô pháo cao xạ bị bom phá hủy.

Hàng ngàn cán bộ chiến sỹ bị thương. Hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân quân, công nhân giao thông hy sinh trước đêm ngừng bắn.

Trong bom đạn ác liệt ấy lực lượng tổng hợp của chúng ta là chiến tranh nhân dân kiên cường đánh trả, bắn cháy hàng chục máy bay địch, rà phá hơn 1.500 quả bom các loại, huy động hơn 20 ngàn phương tiện thô sơ phục vụ vận chuyển. Đóng góp trên 2 triệu ngày công đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, đưa hơn 1.500 ngàn xe cơ giới vượt qua Truông Bồn an toàn...

Truong Bon

Tháp chuông tại Khu di tích Nghĩa trang Truông Bồn

Năm 1969, chúng tôi có dịp trở lại Truông Bồn thăm chiến trường và thắp hương cho đồng đội, lúc bấy giờ tôi gặp một TNXP và một bà cụ đi thắp hương cho con gái mình. Cụ khóc trước ngôi mộ đất mới xanh màu cỏ và kể cho tôi nghe chuyện tình của 2 người sắp cưới.

Cảm động trước tình cảm đó tôi đã viết bài thơ “Truông Bồn lời sim tím”. Bài thơ thay một nén tâm nhang tưởng nhớ 1.240 linh hồn liệt sỹ đã hy sinh tại Truông Bồn – những con người bất tử đã xây nên tượng đài chiến thắng Truông Bồn hôm nay.

Truông Bồn lời sim tím
(Viếng hương hồn các cô gái TNXP hy sinh tại Truông Bồn - Nghệ An)

Nhớ em trở lại Truông Bồn
Hố bom xưa đã xanh rờn cỏ lau
Con đò chiều ấy về đâu?
Giữa dòng trăng bạc nhuộm màu phù sa.

Trang thư em gửi lại nhà
"Nếu anh về trước, ghé qua… mẹ chờ”
Lời yêu dang dở giấc mơ
Cầu vồng bảy sắc, nối bờ trăng sao

Nén hương: Đồng thấp trời cao
Mảnh mai cánh hạc, phương nào hỡi em?
Mây xô nghiêng mảnh trăng liềm
Hồn em xanh, chấm sao đêm cuối trời…

Giếng quê soi bóng hai người
Anh về, gió vọng mãi lời tre xanh
Trong rương quần áo để dành
Có khuông vải tím dệt thành áo mơ

Vọng lời non nước mẹ ru
Máu xương hòa đất ngàn thu đỏ cờ
Chờ ai lau đã trắng bờ
Còn lời sim tím, ngẩn ngơ hóa trầm!

(Bài thơ đăng tải trên các báo và đọc trên chương trình thơ 40 năm chiến thắng Truông Bồn của VTV1, VTV4 và Đài Truyền hình Nghệ An. Bài thơ còn được nhạc sỹ Thụy Kha phổ nhạc in ở tập sách Trường Sơn đường khát vọng, mới đây NSND Hồng Lựu chuyển thể thành bài thơ theo làn điệu dân ca ví dặm (bài thơ in ở tập thơ Soi vào đáy cốc).

Châu Nho