trái phiếu chính phủ

Ảnh T.L minh họa

Tại Nghị quyết, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép triển khai từ tháng 11/2015.

Trước đó, để phù hợp với thị trường, tăng khả năng huy động vốn và giảm chi phí huy động cho NSNN, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 740/TTr-BTC ngày 16/9/2015 về việc báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, triển khai thực hiện từ tháng 11/2015.

Còn theo báo cáo thực hiện chương trình công tác tháng 9 và quý III/2015 của Bộ Tài chính, trong tháng 9/2015, Kho bạc Nhà nước huy động trái phiếu Chính phủ đạt tổng số 2.993 tỷ đồng, bằng 52,4% so với tháng trước và bằng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 29/9/2015, KBNN huy động được 127.158,7 tỷ đồng, bao gồm cả 1 tỷ USD quy đổi 21.458 tỷ đồng trái phiếu ngoại tệ, đạt 50,8% kế hoạch năm 2015, bằng 60,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân huy động trái phiếu Chính phủ đạt thấp, do thị trường tài chính – tiền tệ diễn biến không thuận lợi cho công tác huy động vốn, ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, các đồng tiền trong khu vực giảm theo, trong đó có VNĐ. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 2% lên 3%, nới rộng biên độ dao động tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% từ ngày 12/8/2015 và tiếp tục nới lên +/-3%. Diễn biến thị trường ngoại hối đã tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, dẫn tới giảm nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, trong một báo cáo gần đây, Kho bạc Nhà nước cho biết việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu Chính phủ bị sụt giảm, còn có nguyên nhân theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 78/2014/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015: Từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 05 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây, nguyên nhân khiến huy động vốn sụt giảm là do chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giảm đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Còn nếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thì các ngân hàng này cũng chọn loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn danh mục đầu tư, nên loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên đã không được các ngân hàng này quan tâm nhiều.

Để khắc phục tình trạng này, một số chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra đề xuất Quốc hội cần xem xét sửa đổi Nghị quyết 78 để tạo ra các chính sách linh hoạt và dựa trên các điều kiện thực tế của thị trường. Do đó, việc phát hành trái phiếu Chính phủ với các kỳ hạn ngắn 1, 2 và 3 năm nên tiếp tục được duy trì song song với loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên./.

N.P