gt

Hệ thống thu phí không dừng đi vào hoạt động sẽ giảm ùn tắc giao thông

Qua đó, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.

Triển khai rộng khắp giao thông thông minh

Theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) Lê Thanh Tùng, mục tiêu của chương trình sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Hệ thống giao thông thông minh được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông toàn quốc; có sự kết nối đồng bộ, liên thông kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Xóa bỏ hoàn toàn các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động GTVT; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ. Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.

Chuyển đổi số thành công các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải để thay đổi phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ từ truyền thống sang phương thức số. Tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp của Việt Nam. Hoạt động kinh tế vận tải được vận hành chủ yếu trên phương thức số; mô hình kinh tế chia sẻ được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực vận tải…

Tăng cường tính kết nối các phương thức vận tải

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, tăng cường tính kết nối các phương thức vận tải, “chia lửa” cho vận tải đường bộ, bộ sẽ nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên toàn quốc; được kết nối tích hợp với các hệ thống công nghệ hỗ trợ giám sát cầu hầm đường bộ, kiểm tra tình trạng mặt đường bộ và kiểm soát tải trọng phương tiện.

Ngành GTVT sẽ hoàn thành triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; xây dựng hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến quản lý vận tải bằng xe ô tô trên toàn quốc với đầy đủ cơ dữ liệu về doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải; triển khai tích hợp với các hệ thống giám sát hành trình phương tiện, hệ thống camera giám sát hình ảnh trên phương tiện kinh doanh vận tải, hệ thống quản lý, điều hành bến xe và hệ thống quản lý, điều hành xe của các doanh nghiệp vận tải.

Toàn ngành ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch các công tác quản lý khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định; dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi; dịch vụ vận tải hành khách bằng xe hợp đồng; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý lái xe để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật; triển khai hệ thống giám sát từ xa bằng hình ảnh đối với các trung tâm sát hạch lái xe trên phạm vi toàn quốc.

Phát triển hệ thống tích hợp dữ liệu được thu thập từ các hệ thống thông tin quản lý chuyên dùng của các ngành giao thông vận tải, cảnh sát giao thông và ngành y tế để cung cấp thông tin phục vụ quản lý, giám sát an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, ngành GTVT xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải (quản lý thông số kỹ thuật, bảo trì, khai thác và quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải); tiếp tục triển khai mở rộng các hệ thống giám sát và điều phối giao thông luồng hàng hải (VTS) tại các cảng biển; nâng cấp Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) tích hợp với dữ liệu AIS vệ tinh (S-AIS); triển khai thực hiện chuyển đổi số các đài thông tin duyên hải theo lộ trình của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); nâng cấp hoàn thiện hệ thống phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cơ sở dữ liệu quản lý đăng ký tàu biển, quản lý thuyền viên, cấp phép cho tàu thuyền vào, rời cảng biển; xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cung cấp dịch vụ logistics của ngành hàng hải, đường thủy nội địa trên nền tảng số.

Đối với lĩnh vực đường sắt, chương trình sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện phục vụ hoạt động kinh doanh của ngành đường sắt; hoàn thiện hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt quốc gia, bảo đảm tích hợp liên thông với các hệ thống giám sát điều khiển đường ngang để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến các điểm giao cắt với đường bộ.

Trí Dũng - Văn Nam