Lợi ích tham gia DEA trong nền kinh tế toàn cầu

Hiệp định Kinh tế số (DEA) là một dạng thỏa thuận thương mại quốc tế được thiết kế để điều chỉnh các khía cạnh kỹ thuật số của nền kinh tế. Khác với các hiệp định thương mại truyền thống, DEA tập trung vào các nội dung như thanh toán điện tử, giao dịch không giấy tờ, bảo vệ dữ liệu cá nhân và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay blockchain.

Ứng dụng DEA góp phần hiện đại hoá quản lý thuế Việt Nam

Lợi ích tham gia DEA trong nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: minh hoạ

Việt Nam đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế số vào GDP lên 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Khi các giao dịch số ngày càng phổ biến, việc xây dựng một khung thuế hiệu quả trở nên cấp thiết.

Mục tiêu của các DEA là thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, đồng thời tạo ra một môi trường pháp lý và kỹ thuật phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số.

Singapore, Úc, New Zealand và Chile là những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực kinh tế số và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế số (DEPA) đầu tiên vào năm 2020. Các hiệp định kinh tế số đã mang lại những thành tự ấn tượng cho các quốc gia tham gia, đặc biệt là Singapore. Singapore đã hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế bằng cách triển khai hóa đơn điện tử theo khung PEPPOL. Điều này giúp rút ngắn 30% thời gian xử lý giao dịch thương mại, nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời đóng góp thêm 0,8% GDP mỗi năm cho nền kinh tế này.

Từ nền tảng do Singapore và các quốc gia tiên phong thiết lập, các hiệp định kinh tế số tiếp tục mở rộng với sự tham gia của nhiều nước khác. Anh, Hàn Quốc và các thành viên ASEAN đã tích cực tham gia hoặc nghiên cứu các thỏa thuận tương tự nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và đổi mới công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng số hóa.

Cơ hội và kinh nghiệm quốc tế

Tham gia DEA sẽ mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý thuế. Triển khai hóa đơn điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 20022 giúp giảm gian lận thuế, tăng thu ngân sách và đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch thương mại xuyên biên giới.

Ngoài ra, việc kết nối với các nền tảng thanh toán điện tử toàn cầu sẽ mở rộng khả năng thu thuế từ các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn đang là thách thức lớn với hệ thống quản lý hiện tại.

Ứng dụng DEA góp phần hiện đại hoá quản lý thuế Việt Nam

Cơ hội và kinh nghiệm quốc tế. Ảnh: minh hoạ

Cơ hội từ DEA còn bao gồm việc cải thiện khả năng theo dõi và quản lý các giao dịch trong thời gian thực. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp chính phủ xây dựng một môi trường thuế công bằng hơn, hạn chế thất thu thuế từ các giao dịch số hóa.

Các nền tảng thương mại điện tử và thanh toán điện tử không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn mà còn tạo điều kiện để các cơ quan quản lý giám sát hiệu quả hơn các giao dịch này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, từ mạng lưới dữ liệu đến các công cụ giám sát thời gian thực, còn hạn chế và chưa đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ DEA.

Kinh nghiệm quốc tế từ những quốc gia tiên phong trong DEA mang đến những bài học quý giá. Singapore đã cho thấy rằng việc áp dụng khung PEPPOL không chỉ giúp chuẩn hóa hóa đơn điện tử mà còn tăng cường tính minh bạch và giảm chi phí xử lý giao dịch.

Úc và Hàn Quốc cũng là những ví dụ điển hình khi sử dụng trí tuệ nhân tạo và blockchain để giám sát giao dịch, phát hiện các hành vi gian lận thuế, và bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách hiệu quả. Những bài học này không chỉ khẳng định giá trị của DEA mà còn chỉ ra những bước đi cụ thể mà Việt Nam có thể học hỏi để cải cách hệ thống quản lý thuế.

Để hiện thực hóa những tiềm năng này, Việt Nam cần tập trung vào ba giải pháp chính.

Trước tiên, Việt Nam nên cân nhắc tham gia khung PEPPOL để chuẩn hóa hóa đơn điện tử và tăng cường tính minh bạch trong quản lý thuế.

Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ dữ liệu, giao dịch điện tử và thanh toán xuyên biên giới là một yêu cầu cấp thiết.

Cuối cùng, đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống dữ liệu thời gian thực và các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, sẽ giúp Việt Nam theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế số toàn cầu.

Nghiên cứu DEA không chỉ là cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa quản lý thuế mà còn là bước đi chiến lược để khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số. Những cải cách mạnh mẽ, được dẫn dắt bởi các hiệp định này, sẽ không chỉ đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.