Vận chuyển trái phép cocain trên biển diễn biến phức tạp
Lô ma túy trôi dạt trên biển do lực lượng chức năng thu giữ tại Bến Tre ngày 7/4/2024. Ảnh: Công an Bến Tre.

Khối lượng thu giữ “khủng”

Những năm qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển điều tra, khám phá, bắt giữ nhiều vụ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường biển. Chỉ riêng năm 2023, tuyến đường biển phát hiện 8 vụ, bắt 7 đối tượng, thu giữ 303 kg cocain, 100g heroin, 180 g ma túy tổng hợp.

Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật

Trước hiện tượng ma túy trôi dạt trên biển, có nhiều người dân phát hiện và giao nộp cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, cũng có một số người dân vì thiếu hiểu biết, hám lợi nên khi phát hiện ma túy tự ý cất giấu. Đây là hành động vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, khi phát hiện vật nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển cần báo cho các cơ quan chức năng.

Điển hình, cơ quan chức năng mới chia sẻ gần đây vụ việc Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ lô cocaine vận chuyển bằng đường biển lớn nhất trên địa bàn Hải Phòng từ trước đến nay.

Trị giá lô ma túy này ước tính khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.400 tỷ đồng). Để bắt giữ thành công, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ lô hàng từ khi được đưa lên tàu tại Argentina rồi vận chuyển từ quốc gia Nam Mỹ này qua Uruguay về Singapore trước khi đến cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng.

Gần đây, do áp lực từ tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển của Việt Nam để vận chuyển trái phép chất ma túy qua Việt Nam sang nước thứ 3 tiêu thụ. Những tháng đầu năm 2024, liên tiếp trên bãi biển của các tỉnh miền Trung và miền Nam, người dân và các lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn chất ma túy trôi dạt trên bờ biển, chủ yếu vẫn là cocain.

Mới đây nhất, ngày 7/4, người dân xã Thừa Đức (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đến Công an xã Thừa Đức trình báo về việc nhặt được một bao đen dạt vào bờ biển khu vực Cống Bể Nhỏ (ấp Thừa Tiên).

Thực tế quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy, cocain ở thị trường Đông Nam Á không tiêu thụ. Các đối tượng đã lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy qua Việt Nam để mang sang nước khác tiêu thụ.

Chia sẻ về thủ đoạn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho hay, tuyến đường biển của nước ta rất rộng. Ở tuyến đường biển có rất nhiều tàu, thuyền các nước qua lại, thêm vào đó là tàu thuyền đánh cá của người dân và các đối tượng trà trộn, cất giấu ma túy trong tàu thuyền.

Thủ đoạn mới là sử dụng tàu, cải trang tàu đánh cá để theo dõi, giám sát lực lượng chức năng để cảnh giới cho các đối tượng vận chuyển ma túy tránh điểm có lực lượng tuần tra để vận chuyển ma túy.

Mặt khác, chúng ta đang đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, với lượng hàng hóa qua cửa khẩu rất lớn, các đối tượng lợi dụng để trà trộn ma túy vào hàng hóa xuất nhập khẩu để vận chuyển.

Thả trôi, gắn định vị

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, thời gian qua, tội phạm có thêm một phương thức, thủ đoạn mới. Đó là đóng cocain thành từng bánh, trọng lượng 1 kg thả trôi dạt trên biển. Qua một số vụ phát hiện, thu giữ các gói ma túy này được đóng gói và có thiết bị định vị, chứng tỏ các đối tượng thả ma túy để các đối tượng khác trục vớt ma túy đi tiêu thụ.

Hiện nay, các đối tượng vận chuyển ma túy bằng đường bộ, tập kết ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ở nước ngoài liên quan đến người nước ngoài, tập kết ma túy vào nhà kho, sau đóng gói, cất giấu, trà trộn lẫn các hàng hóa xuất khẩu (hạt nhựa, thức ăn gia xúc, phế liệu…) đưa xuống các cảng biển lớn để vận chuyển đi nước khác.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang nhận định rằng, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến đường biển diễn biến phức tạp. Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo C04 và công an các địa phương tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển tổ chức đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường biển.

Song, lực lượng chức năng cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, phương tiện phục vụ cho công tác đấu tranh tội phạm ma túy trên biển, thiết bị kỹ thuật còn hạn chế. Lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến đường biển còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm ma túy trên biển.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy lợi dụng tuyến đường biển để mua bán trái phép chất ma túy./.