Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phúc Nguyên

Chiều 16/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng làm việc để bàn về các nội dung phối hợp giữa hai đơn vị trong giai đoạn tới về phát triển "Tam nông".

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, một đất nước muốn phát triển phải có 3 đỉnh tam giác là Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bộ NN&PTNT được coi là một đỉnh và đỉnh thứ ba (xã hội) là nông dân mà tiêu biểu là Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đỉnh tam giác còn lại là doanh nghiệp.

Theo ông Lê Minh Hoan, nhiều khi sự phối hợp của chúng ta còn mang tính hình thức, chúng ta không hiểu được giá trị thực sự của sự phát triển khi 3 đỉnh tam giác này gần nhau, hài hoà với nhau, tôn trọng nhau, bên này tạo điều kiện để bên kia phát triển...

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất nhiều hoạt động cụ thể để Bộ NN&PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập trung phối hợp trong giai đoạn tới. Đầu tiên là vận động nông dân tham gia kinh tế tập thể theo kết luận của Bộ Chính trị. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần tham gia để giải đáp cho "lời nguyền" sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, mạnh ai người ấy làm, cạnh tranh không lành mạnh.

"Trước mắt, chúng ta không cần làm dàn trải mà vận động nông dân tham gia các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án của Bộ NN&PTNT đã xác định" - ông Lê Minh Hoan nêu rõ.

Thứ hai, Bộ NN&PTNT và hội sẽ cùng nhau vận động nông dân đăng ký tham gia xây dựng mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi. Trước mắt, ưu tiên triển khai tại 11 tỉnh, 75 huyện và hơn 100 xã xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đã nêu ở trên, lấy đó làm kinh nghiệm để triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Theo quy định của Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôn và Luật Thuỷ sản, chúng ta phải chứng nhận mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản. Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của nông dân.

Thứ ba, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần tham gia hỗ trợ các lớp huấn luyện nông dân để nâng cao năng lực cộng đồng, từ đó người nông dân đúng nghĩa là chủ thể của nông thôn mới. Nội dung các lớp tập huấn bao hàm cả nội dung dạy nghề, dạy kiến thức tổng quan về lập kế hoạch sản xuất, phân tích thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác sản xuất kinh doanh... chứ không phải dạy họ nuôi con này, trồng cây kia mà không biết thị trường ở đâu.

Thứ tư, hai bên cần phối hợp tổ chức chung các diễn đàn liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn...

Thứ năm, cần tạo dựng, giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân tử tế, người nông dân thông minh. Ví dụ, người nông dân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn phải chia sẻ với cộng đồng...

Theo ông Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân có thế mạnh tuyên truyền vận động, Bộ NN&PTNT có thế mạnh về quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, hai bên cần xây dựng chương trình phối hợp chặt chẽ hơn để vừa tạo động lực, vừa tạo nền tảng cho các cấp hội nông dân và ngành nông nghiệp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Phúc Nguyên