Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng, nếu bối cảnh kinh tế thế giới thuận lợi

PV: Ông nhìn nhận thế nào về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023?

TS. Nguyễn Đức Độ: Năm 2023 là năm khó khăn của kinh tế Việt Nam, khi GDP chỉ tăng trưởng 5,05%, thấp hơn nhiều mức trung bình của giai đoạn 2010 - 2023 là 6% và chỉ cao hơn so với giai đoạn 2020 - 2021, khi dịch Covid-19 lan rộng và GDP tăng trưởng dưới 3%. Nguyên nhân là do tổng cầu yếu ở cả trong lẫn ngoài nước.

Ở bên ngoài, chính sách lãi suất cao tại các nước phát triển khiến nhu cầu tiêu dùng tăng chậm lại, các doanh nghiệp bán lẻ giảm nhập khẩu, giải phóng hàng tồn kho. Ở trong nước, sự suy giảm của thị trường bất động sản khiến nhu cầu đối với các ngành xây dựng, sản xuất vật liệu, đồ nội thất… giảm. Đó là chưa kể ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài khiến người dân tăng tiết kiệm, giảm chi tiêu. Kết quả, trong năm 2023 cả tiêu dùng và đầu tư đều tăng chậm, còn xuất khẩu thì tăng trưởng âm.

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng, nếu bối cảnh kinh tế thế giới thuận lợi
TS. Nguyễn Đức Độ

Điểm tích cực là nền kinh tế đang có xu hướng phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP được cải thiện qua từng quý, đặc biệt là khu vực công nghiệp và xây dựng có thể đã đạt đáy. Để có được sự phục hồi này, các chính sách tài khóa và tiền tệ đóng vai trò rất tích cực.

Điển hình là việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành, ban hành các chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp, trong đó nổi bật là chính sách giảm thuế VAT về còn 8%. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công cũng có những cải thiện đáng khích lệ và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP năm 2023.

PV: Trong năm 2024, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về các chính sách này trong hỗ trợ kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế?

TS. Nguyễn Đức Độ: Hiện nay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chưa cao, khoảng 39 - 40% GDP, nên vẫn còn dư địa để mở rộng tài khóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý đến việc tỷ lệ trả nợ gốc và lãi hàng năm so với thu ngân sách nhà nước đang ở mức 20 - 21% và có xu hướng gia tăng, tiệm cận mức trần 25% trong năm 2024.

Bởi vậy, việc nới lỏng tài khóa cần thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm và có liều lượng phù hợp. Điều quan trọng nữa là việc thực thi các chính sách tài khóa phải đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí?

Về lạm phát, theo tôi, chúng ta không cần quá lo ngại, bởi kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng, trong khi dư địa để nới lỏng tiền tệ, tín dụng không nhiều. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái nên các áp lực về giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu và tỷ giá trong năm nay cũng không lớn. Theo dự báo của tôi, năm 2024 lạm phát trung bình khả năng sẽ chỉ xoay quanh mức 3% (+/- 0,5%).

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng, nếu bối cảnh kinh tế thế giới thuận lợi
Ảnh minh họa.

PV: Năm 2024, một số tổ chức quốc tế đưa ra dự báo khác nhau về tăng trưởng GDP của Việt Nam, ông có nhận định gì về các mức tăng trưởng này?

TS. Nguyễn Đức Độ: Các dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam hiện nay xoay quanh mức 6%, tương đương mức tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2010 - 2023. Tuy nhiên, so với tiềm năng, đây là mức thấp, bởi GDP năm 2024 chỉ phải so sánh với nền thấp của năm 2023. Hơn nữa, cho dù năm 2024 GDP tăng 6 - 6,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra, thì tính chung giai đoạn 2020 - 2024 tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ đạt 4,9 - 5%, kém xa mức trung bình 6% của giai đoạn 2010 - 2023.

Mặc dù vậy, trong năm 2024 nền kinh tế vẫn gặp nhiều thách thức. Thứ nhất, kinh tế thế giới trong năm 2024 được dự báo tăng trưởng chậm lại, thậm chí các nước phát triển như Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Thứ hai, thị trường bất động sản vẫn chưa có xu hướng phục hồi rõ nét. Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang rất khó khăn về vốn, còn nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn có xu hướng gia tăng. Trong bối cảnh đó, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 xoay quanh mức 6% cũng là phù hợp.

PV: Để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, theo ông, năm 2024 cần thực hiện đồng bộ những giải pháp nào?

TS. Nguyễn Đức Độ: Với mặt bằng lãi suất thấp hiện nay, có thể giảm thêm một chút trong năm 2024 cùng với các giải pháp về tài khóa được Quốc hội và Chính phủ ban hành, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5%, nếu bối cảnh kinh tế thế giới thuận lợi.

Tuy nhiên, nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, chúng ta cần có thêm các giải pháp về tài khóa như hỗ trợ về thuế, tín dụng, bảo hiểm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu để duy trì việc làm cho người lao động. Vừa qua Quốc hội cũng đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), các quy định mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hơn nữa.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ các khó khăn về pháp lý, về vốn cho các doanh nghiệp bất động sản. Nếu không có nguồn lực tài chính để trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang, phát triển các dự án mới, ngành xây dựng và các ngành có liên quan sẽ khó phục hồi mạnh.

Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước hạn chế, cần có các giải pháp thu hút vốn bên ngoài vào lĩnh vực bất động sản thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời ban hành các chính sách ưu đãi mới để thu hút vốn FDI trong bối cảnh các nước OECD đạt được thỏa thuận về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lạm phát trung bình cả năm 2024 của Việt Nam là 3%

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

WB cho rằng, môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế. Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng vì đó là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.

WB lưu ý, nhu cầu trong nước được kỳ vọng vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Lạm phát trung bình cả năm 2024 là 3% với giả định giá năng lượng và hàng hóa ổn định.