Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm dừa sang một số thị trường với khoảng 30.000 tấn dừa tươi. Ảnh tư liệu |
PV: Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng của Việt Nam cho việc xuất khẩu dừa tươi sang thị trường này?
Ông Hoàng Trung: Khi Nghị định thư được ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thì chúng tôi đã sẵn sàng cho công tác chuẩn bị trước đó. Nghĩa là ngay khi chúng tôi đàm phán xử lý các vấn đề kỹ thuật để thống nhất với GACC thì cũng đã chủ động hướng dẫn tập huấn cho các địa phương để địa phương sẵn sàng. Và sau khi nghị định thư được ký kết, chúng ta tiếp tục xử lý thêm một số công việc theo đúng yêu cầu trong nghị định thư.
Thứ nhất, lập tức kiểm tra đánh giá, lên danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đến nay, Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn; có 207 mã số vùng trồng và 55 cơ sở đóng gói.
Trung Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu rau, quả lớn nhất của Việt Nam Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với gần 2,5 tỷ USD rau quả từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm tới 64% thị phần. |
Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện và hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói để phục vụ cho việc tổng kiểm tra của các cán bộ kiểm dịch thực vật của GACC. Đây là bước tiếp theo trong quy định ở nghị định thư là trước khi xuất khẩu các lô hàng đều phải thực hiện kiểm tra các mã số và cơ sở đóng gói. Sau khi họ kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả, lập tức các mã số đó sẽ được đăng tải trên trang web của GACC và lúc đó có thể bắt đầu xuất khẩu các lô trái dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc.
Tôi hy vọng với sự hướng dẫn của cụ thể, bài bản của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT cho các địa phương cũng như với sự chuẩn bị của các địa phương, chúng ta sẽ đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của nghị định thư và sẽ sớm có những lô hàng đầu tiên là quả dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc.
PV: Sau nghị định thư trên, Bộ NN&PTNT nhận định như thế nào về khả năng mở rộng, thúc đẩy sản xuất dừa và một số sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Hoàng Trung: Có thể khẳng định, nghị định thư vừa ký kết tập trung chính vào sản phẩm dừa tươi để xuất khẩu – đây cũng là sản phẩm chính yếu của Việt Nam và dễ xuất khẩu. Năm 2023, khi chưa có nghị định thư, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm dừa sang một số thị trường khác với khoảng 30.000 tấn dừa tươi; 320.000 tấn sản phẩm dừa được chế biến, đặc biệt là sản phẩm khô. Như vậy đây là một lợi thế tốt đối với việc xuất khẩu dừa của Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt khi có nghị định thư thì vấn đề xuất khẩu chính ngạch sẽ được đẩy mạnh hơn nữa và việc thâm nhập vào các tỉnh, thành của thị trường Trung Quốc sẽ thuận lợi rất nhiều.
Hy vọng với các điều kiện và sự chuẩn bị của chúng ta thì việc mở rộng hơn về số lượng, chủng loại sản phẩm dừa, nhất là với thị trường quan trọng và rộng lớn của Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
PV: Thực tế, thời gian gần đây, Việt Nam liên tục mở cửa thị trường với Trung Quốc, xuất khẩu chính ngạch đối với rất nhiều sản phẩm nông sản. Bộ NN&PTNT sẽ làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản các thị trường khác trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Hoàng Trung: Theo chủ trương chung và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, chúng ta phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để đàm phán, mở rộng các thị trường. Những thị trường nào đã mở thì tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần ở đó; tiếp tục mở rộng thêm các sản phẩm để đưa vào thị trường đó. Thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, ví dụ sang thị trường Mỹ, Việt Nam đã xuất khẩu 8 loại sản phẩm; thị trường Trung Quốc thì có hầu hết các sản phẩm chính yếu của nông lâm thủy sản Việt Nam và hiện nay có một số sản phẩm mà Trung Quốc đang yêu cầu chuẩn hóa theo nghị định thư thì thực chất Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm này.
Bộ NN&PTNT đang có lộ trình rõ ràng để tiếp tục đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thêm các loại trái cây khác của Việt Nam vào Trung Quốc. Sau quả dừa tươi và sầu riêng, Việt Nam sẽ đàm phán ký kết nghị định thư để quả chanh leo, quả ớt xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc trong thời gian tới.
Với phương châm mở rộng sản phẩm cho một thị trường và đa dạng hóa thị trường, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch cụ thể đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ đối với trái cây mà đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản. Với cách đó, cùng sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi tin tưởng từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 nói chung và trái cây nói riêng sẽ đạt mục tiêu đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Sản phẩm dừa tươi phải đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật nghiêm ngặtTheo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), điều đáng chú ý là để đi vào thị trường Trung Quốc, sản phẩm dừa tươi của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật rất nghiêm ngặt. Trong đó, cần đáp ứng đủ 9 điều: Dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn nhỏ hơn hoặc bằng 5cm và dừa không có vỏ). Dừa phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm, cành, lá và đất. Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT; được cả Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Bộ NN&PTNT phê duyệt. Bộ NN&PTNT sẽ gửi cho GACC danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này được cập nhật thường xuyên. GACC sẽ đăng tải danh sách này trên website. Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm… Trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong 2 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%. Dừa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây./. |