Việt Nam là một “trường hợp ngoại lệ”

Theo ông Jacques Morisset – Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, gói kích cầu kinh tế mới được Quốc hội thông qua là rất quan trọng và kịp thời. Theo ông, đây là gói kích thích tăng trưởng tốt bởi hai lý do:

Thứ nhất, để ứng phó lại cuộc khủng hoảng, Chính phủ cần có những chính sách tài khóa chủ động hơn để kích thích nền kinh tế và rõ ràng Chính phủ đang làm việc này. Giảm thuế, kích cầu tiêu dùng tư nhân, khi Chính phủ chi tiền nhiều hơn thì sẽ kích thích nền kinh tế.

Một điểm tích cực nữa là gói kích thích kinh tế này không chỉ nhìn nhận trong giai đoạn ngắn hạn mà còn xem xét cả giai đoạn dài hạn, để giúp Việt Nam có thể đạt được vị thế nước thu nhập cao đến năm 2045-2050. Như vậy, sẽ có quá trình chuyển đổi và gói kích thích này thực sự đã đưa ra một số cải cách.

Việt Nam đang ở vị thế tài khóa tốt để thực hiện gói kích thích phục hồi kinh tế
Theo chuyên gia, chương trình phục hồi kinh tế này là khả thi. Ảnh minh họa: LV

Ông Jacques cho rằng, điều rất quan trọng ở đây là Chính phủ đã cố gắng tinh giản một số thủ tục đầu tư. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy rõ hơn một số điểm nghẽn trong quản lý đầu tư công thời gian qua và đây là điều mà Chính phủ đang cố gắng giải quyết để thay đổi một số những quy trình, thủ tục quan trọng trong quá trình tương tác giữa trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang rất chú trọng tới hạ tầng vật chất và hạ tầng xã hội. Đây là điều rất quan trọng bởi vì, người nghèo là người bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hơn những đối tượng khác. Do vậy việc chi trả nhiều hơn cho y tế và giáo dục là một phản ứng tốt của Chính phủ trước cuộc khủng hoảng này.

Ông cũng hy vọng Chính phủ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực thương mại cũng như làm cho nó xanh hơn. Tương lai của Việt Nam không chỉ là thương hại xanh mà còn cả nền kinh tế xanh hơn nữa. Theo đó, trong gói kích thích phục hồi này thì cần phải kích thích nhiều hơn đầu tư công và khu vực và khu vực tư nhân để hướng tới nền kinh tế xanh hơn.

Ông Jacques cho biết, chương trình phục hồi kinh tế này là khả thi và Chính phủ có thể làm được bởi vì Chính phủ đang ở vị thế tài khóa rất tốt. “Có thể thấy, Việt Nam là một “trường hợp ngoại lệ”. Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay không thể có một sự chính sách tài khóa chủ động như vậy, bởi vì họ đang bị nợ nhiều, thâm hụt tài khóa nhiều và Việt Nam hiện nay đang ở vị thế tài khóa tốt để có thể thực hiện gói kích thích phục hồi kinh tế mạnh” - vị kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Vấn đề lạm phát có đáng lo?

Bình luận về những lo ngại lạm phát khi triển khai gói kích cầu kinh tế, vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nhận định, trong ngắn hạn, hiện nay, tại Việt Nam, phản ứng ở phía cung lớn hơn ở phía cầu và cuộc khủng hoảng này có sự mất còn cân bằng giữa cung và cầu, cung nhiều hơn cầu. Như vậy, trong mấy tháng tới, sẽ không có lạm phát.

Còn về lo ngại nhập khẩu lạm phát, ông chia sẻ, trong mấy tháng vừa qua, lạm phát giảm và nhưng giá cước giao thông vận tải giảm nhưng lại tăng trong một hai tháng gần đây. Đây cũng là một rủi ro mà Chính phủ cần theo dõi sát sao trong thời gian tới để có những phản ứng chính sách phù hợp.

Ông Jacques phân tích, nhìn vào kinh nghiệm gần đây của Việt Nam có thể thấy, Chính phủ đã thực hiện rất tốt việc cải cách và tiêm chủng Covid-19. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ triển khai tiêm chủng cao và nhanh nhất trên thế giới. Đây là điều rất ấn tượng. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có tiếp tục là một trong những nước thực hiệu quả nhất gói kích thích phục hồi kinh tế như trong thực hiện chương trình tiêm chủng hay không?

Muốn làm được điều đó, Chính phủ cần tiếp tục tinh giản thủ tục đầu tư, quản lý đầu tư công- một điểm nghẽn lớn trong vài năm qua. Hiện nay, Chính phủ đã làm nhiều việc hơn để tinh giản hóa đầu tư và xử lý quan hệ giữa Trung ương và địa phương để thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cần thiết. Đây là một thách thức rất lớn và WB luôn sẵn sàng để hỗ trợ Chính phủ.

“WB đã làm việc với Chính phủ Việt Nam trong mấy năm qua và chúng tôi cũng là một bên rất tích cực để giúp hỗ trợ những ý tưởng về gói kích thích tăng trưởng của Chính phủ, sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc triển khai gói kích cầu phục hồi tăng trưởng này”- ông Jacques Morisset nhấn mạnh.

Thêm ý kiến về vấn đề này, bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam cho rằng, trên toàn thế giới, có rất nhiều sự xáo trộn trong sản xuất và chuỗi cung ứng và nó sẽ tác động tới Việt Nam bởi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, xuất khẩu rất nhiều nên phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Khi có những xáo trộn về sản xuất và giao hàng sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất cũng như việc đáp ứng đơn hàng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia đang có những đợt lạm phát mạnh và những đợt lạm phát này có thể kéo dài và có thể tác động tới Việt Nam. Đây là một số những thách thức và như vậy việc tăng năng suất đóng vai đóng vai trò rất quan trọng.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk cũng nhấn mạnh: "Mọi thứ hiện nay đang rất khó tiên đoán và chúng ta chưa biết nhiều về biến chủng Omicron. Chính phủ cần có những kế hoạch đảm bảo khả năng tiên đoán, tiên liệu tốt hơn khi thực hiện chương trình phục hồi để đảm bảo ứng phó tốt hơn với biến chủng mới này"./.