Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác nâng cao năng lực chống buôn bán gỗ trái phép
Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác nâng cao năng lực chống buôn bán gỗ trái phép. Ảnh: TL

Hội thảo là diễn đàn để ngành gỗ, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức xã hội dân sự trình bày quan điểm về buôn bán gỗ trái phép và thúc đẩy buôn bán gỗ hợp pháp giữa Việt Nam với các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu. Từ đó nâng cao năng lực cho các cán bộ có liên quan của Việt Nam, bao gồm các cán bộ thực thi pháp luật nhằm chống buôn bán gỗ trái phép và thúc đẩy buôn bán gỗ hợp pháp.

Tại phiên khai mạc sáng ngày 4/3, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa cho biết, sau một thời gian đàm phán, ngày 1/10/2021, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận về kiểm soát khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp (Thỏa thuận 301) nhằm triển khai phối hợp giữa Chính phủ hai nước trong việc tăng cường triển khai chống gỗ bất hợp pháp và thương mại liên quan, cải thiện thể chế trong công tác quản lý rừng bền vững, truy xuất bền vững gỗ và lâm sản.

“Thỏa thuận 301 đã thể hiện mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành lâm nghiệp, đảm bảo phát triển ngành chế biến gỗ nói riêng và lâm nghiệp nói chung hiệu quả, qua đó nâng cao uy tín ngành chế biến và xuất khẩu của Việt Nam” - ông Bùi Chính Nghĩa nhận định.

Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác nâng cao năng lực chống buôn bán gỗ trái phép
Quang cảnh hội thảo.
Được biết, ngày 1/10/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Theo ông Nghĩa, sau hai năm triển khai, hai bên đã triển khai 3 phiên họp cấp kỹ thuật và đến nay đã đạt được một số kết quả.

Cụ thể, Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như đã rà soát ưu đãi tài chính đối với ngành chế biến gỗ; sửa đổi văn bản các quy phạm pháp luật về hệ thống phân loại doanh nghiệp, bổ sung các tiêu chí xác định vùng địa lý tích cực để đảm bảo kiểm soát, để gỗ tịch thu của Việt Nam không đi vào chuỗi cung ứng; tăng cường kiểm soát, kiểm tra gỗ nhập khẩu, tăng cường hợp tác với các nước xuất khẩu nguyên liệu để kiểm soát gỗ nhập khẩu vào Việt Nam...

Về phía Hoa Kỳ, bà Melissa Bishop - Đại diện lâm thời, Đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng khẳng định, Hoa Kỳ đồng hành cùng Việt Nam trong việc duy trì gỗ hợp pháp cả trong nước và quốc tế...

“Chúng tôi cam kết làm sâu sắc hơn nữa trong quan hệ thương mại, công nghệ, sản xuất, thực thi pháp luật. Trong đó, về thương mại, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy sâu rộng hơn nữa thông qua việc thiết lập khung pháp lý mạnh mẽ quản lý rủi ro, thực hiện biện pháp phòng ngừa hiệu quả..."- bà Melissa nói.

Các vấn đề được đưa ra tại hội thảo và thảo luận chuyên sâu sẽ giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu hơn về nỗ lực của Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Đồng thời bàn bạc và xây dựng kế hoạch hành động trong tương lai, để từng bước thúc đẩy hợp tác thương mại sâu rộng hơn nữa thông qua việc thiết lập các khung pháp lý mạnh mẽ, quản lý rủi ro thích hợp và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.