Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phân tích Kinh tế Vĩ mô của VinaCapital, vừa có bài viết về việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và tác động của sự kiện này đến Việt Nam. Ông cho rằng, dù có nhiều lo ngại trên thế giới, nhưng các rủi ro đối với Việt Nam đang bị phóng đại và sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029. Nguồn: AP. |
Cụ thể, trong bài viết, đại diện VinaCapital cho biết, sau cuộc bầu cử, dư luận quốc tế đang đổ dồn sự chú ý vào các chính sách sắp tới của chính quyền mới, dự kiến ra mắt vào tháng 1/2025.
Dù nhiều quốc gia lo ngại về tác động kinh tế từ nhiệm kỳ mới của ông Trump, đại diện VinaCapital cho rằng những rủi ro này đã bị thổi phồng và không có cơ sở để lo ngại rằng chiến thắng của ông Trump sẽ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vì một số lý do chính.
"Dù nhiều quốc gia lo ngại về tác động kinh tế từ nhiệm kỳ mới của ông Trump, đại diện VinaCapital cho rằng những rủi ro này đã bị thổi phồng và không có cơ sở để lo ngại rằng chiến thắng của ông Trump sẽ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vì một số lý do chính... Chúng tôi tin rằng thực tế những gì sắp xảy ra cũng bình thường", đại diện VinaCapital nhấn mạnh. |
Thứ nhất, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua tràn ngập những tuyên bố mạnh mẽ và cường điệu, khiến công chúng dễ tiếp nhận thông tin mang tính chất vận động chính trị hơn là khách quan. Điều này đã tạo ra những lo ngại thái quá về tác động kinh tế của nhiệm kỳ mới.
Thứ hai, mối đe dọa về thuế quan từ ông Trump bị phóng đại. Cả 2 ứng viên Tổng thống đều cam kết đưa sản xuất trở lại Mỹ, nhưng mức thuế 60% mà ông Trump tuyên bố có thể chỉ là đòn bẩy trong đàm phán, đặc biệt là với Trung Quốc.
Rất ít khả năng ông sẽ thực hiện các hành động làm gia tăng lạm phát. Nguồn: Adobe Stock. |
Ông Kokalari nhận định, ông Trump đã hứa hẹn mức thuế cao để thu hút tầng lớp lao động - một nhóm cử tri quan trọng của ông - nhưng thực tế, đội ngũ cố vấn kinh tế hiểu rõ những hệ quả tiêu cực của thuế quan quá cao, bao gồm việc đẩy giá trị đồng USD lên, làm khó khăn cho mục tiêu đưa sản xuất về Mỹ.
Bên cạnh đó, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance cũng nhận thức sâu sắc về vấn đề đồng USD bị định giá quá cao - yếu tố làm việc đưa sản xuất trở lại Mỹ thêm khó khăn. Trong khi nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với tình trạng “lạm phát đình trệ” tồi tệ nhất kể từ thập niên 1970, ông Trump hiểu rõ tác động của thuế quan đối với lạm phát, do đó sẽ ít có khả năng đưa ra các quyết định làm gia tăng thêm gánh nặng này.
Theo ông Kokalari, về thặng dư thương mại lớn với Mỹ (khoảng 100 tỷ USD), Việt Nam có thể giải quyết bằng cách tăng mua các sản phẩm giá trị cao từ Mỹ như LNG và động cơ máy bay. |
Ngoài ra, bài viết của đại diện VinaCapital cũng đưa ra một số nhận định về quan hệ thương mại Việt - Mỹ dưới thời ông Trump như tân Tổng thống Mỹ không có lý do nhắm vào Việt Nam, nhất là khi hàng hóa "Made in Vietnam" được người tiêu dùng Mỹ chấp nhận. Cùng với đó, Việt Nam cũng có thể giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong các mặt hàng có giá trị cao.
So với năm 2016, ông Trump hiện đã có kinh nghiệm và đội ngũ cố vấn hiểu biết hơn, giúp ông điều hành chính sách thương mại một cách tập trung hơn.
VinaCapital tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định dưới chính quyền ông Trump. Chính sách "Ngoại giao cây tre" khéo léo của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với các cường quốc đã giúp đất nước đạt được nhiều thành tựu, và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ thay đổi. Mặc dù Mỹ có thể áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng khả năng áp thuế cao (20-30%) đối với hàng hóa Việt Nam là rất thấp.
Thậm chí, nếu Mỹ áp thuế toàn diện (5-10%) đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế về dòng vốn FDI so với các đối thủ. Các yếu tố thu hút FDI vào Việt Nam, đã mang lại hàng tỷ USD, sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, Việt Nam cần chủ động xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ trước khi vấn đề này trở thành mối lo ngại lớn đối với chính quyền mới./.