Hiệu ứng ngược?

Phiên giao dịch cuối cùng hàng quý thường được các quỹ đầu tư lấy giá để chốt lợi nhuận danh mục đầu tư báo cáo cổ đông (chốt NAV). Vì thế những ngày cuối tháng cuối quý giá cổ phiếu dễ tăng khi ai cũng muốn danh mục đầu tư trở nên “đẹp” hơn. Nhịp tăng từ đầu tuần cũng được cho là hiệu ứng chốt NAV. Bất ngờ là hôm nay, phiên cuối cùng của quý 2, giá cổ phiếu lại giảm mạnh.

Cả buổi sáng thị trường giao dịch chậm nhưng biến động bình thường. VN-Index dập dình quanh tham chiếu thậm chí còn xanh. Thế nhưng sang chiều lực bán tăng rất cao và cổ phiếu đồng loạt giảm, cho thấy nhu cầu bán ra trên diện rất rộng.

VN-Index bất ngờ thủng ngưỡng 1.200 điểm, cổ phiếu giảm đồng loạt
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Dĩ nhiên cổ phiếu vốn hóa lớn là động lực kéo chỉ số xuống. VN30-Index giảm nhanh hơn và mạnh hơn so với VN-Index. Đặc biệt một số mã ngân hàng giảm rất nhiều và không thể phục hồi nhịp nào. BID dẫn đầu nhóm ngân hàng lao dốc và cũng là dẫn đầu nhóm blue-chips VN30 nói chung. Mã này có 30 phút gần như rơi tự do khi bốc hơi tới 3,46% trong thời gian này và đóng cửa giảm 4,01% so với tham chiếu. HPG từ 2h15 trở đi cũng lao dốc tới 2,19% và đóng cửa giảm tổng cộng 1,98%, tức là từ xanh chuyển thành đỏ.

Nhiều blue-chips rất mạnh buổi sáng cũng chịu lực ép lớn. Điển hình như VNM, tăng hoành tráng buổi sáng, có lúc trên tham chiếu 3,46% nhưng chốt phiên bị đánh mạnh giảm 0,14% so với tham chiếu. GAS đầu giờ chiều còn tăng 2,14% nhưng chốt phiên lại giảm 1,28%.

Trong nhóm VN30, có tới 7 mã giảm trên 3%, 14 mã khác giảm 1-2%. Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh khi STB, VIB, BID cũng bốc hơi trên 4%, PGB, OCB, SHB, TCB, VPB, LPB, VAB giảm hơn 3%. Thị trường không có được nhóm cổ phiếu nào nâng đỡ một cách rõ ràng, mà những mã tăng hầu hết là nhờ lực cầu riêng lẻ. Một số cổ phiếu phân bón còn khá tốt như CSV tăng 3,95%, DPM tăng 2%, DCM tăng 1,39%, LAS tăng 1,55% nhưng cũng không mang tính đại diện. Cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn còn DSC, TVS kịch trần, FTS tăng 2,99%, nhưng cả loạt mã lớn là SSI, BVS, MBS, VND, HCM giảm 4-6% và CTS, VCI, BSI, APG giảm sàn...

Phản ứng bán ra bất ngờ này có thể là hành động ngược. Nếu như nhà đầu cơ bắt đáy 5-6 phiên gần đây đặt cược với nhịp tăng kéo NAV thì họ sẽ chốt lời trước khi lực kéo này kết thúc. Áp lực bán hôm nay chủ yếu là do nhà đầu tư trong nước, còn khối ngoại mua bán cân bằng, thậm chí chỉ chiếm 8,6% tổng giao dịch ở sàn HoSE.

Diễn biến ngắn hạn?

VN-Index đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 6 đã lại để thủng mốc 1.200 điểm, còn 1.197,6 điểm. Đây là diễn biến khá bất ngờ vì thị trường tỏ ra vất vả để chinh phục trở lại mốc này. Tuy vậy biến động trong một ngày chưa phải là điều gì chắc chắn.

Lý do là cho đến hết đợt khớp lệnh liên tục chiều nay, VN-Index vẫn còn trên mốc 1.200 điểm - khoảng 1.202 điểm. Ở mức này chỉ số đã giảm khoảng 1,4% so với tham chiếu là khá mạnh. Thế nhưng trong đợt ATC, một số cổ phiếu vốn hóa lớn lại bị xả mạnh, chính thức “đạp” chỉ số xuống dưới tham chiếu. Đó là các mã VHM, VNM, GAS, TCB, VCB. Mức giảm sâu đột biến của nhóm trụ đã khiến VN-Index mất thêm gần 5 điểm chỉ riêng đợt ATC.

Các giao dịch chốt lời ngắn hạn dồn vào chiều nay đã tạo sức ép vượt trội, đặc biệt trong bối cảnh lực cầu còn yếu và thanh khoản rất thấp. Hôm nay cũng là đợt chốt lời mạnh rõ rệt đầu tiên kể từ khi thị trường kiểm định đáy gần nhất. Lợi ích của phiên giảm như vậy là những nhà đầu tư bắt đúng đáy và có lãi ngắn hạn sẽ muốn bán ra. Điều này giúp cho lượng cổ phiếu dồn lại những ngày qua vơi đi. Đây là hiệu ứng bình thường của các giao dịch ngắn hạn, không vì các ảnh hưởng từ vĩ mô đặc biệt nào.

VN-Index bất ngờ thủng ngưỡng 1.200 điểm, cổ phiếu giảm đồng loạt

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

10.245 đồng (-2%)

471,6 triệu (-9%)

1.074 tỷ đồng (+7%)

55,6 triệu (+9%)